• Zalo

Doanh nghiệp Nhà nước: Không làm được thì nghỉ, tiền đâu mà cứu

Kinh tếChủ Nhật, 16/10/2016 08:16:00 +07:00Google News

Doanh nghiệp Nhà nước cần phải hoạt động theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu và chấm dứt thói quen cứ gặp khó thì xin "cứu".

Một thời gian dài chúng ta thiết kế những chính sách nhằm tạo ra những vòng bảo hộ cho doanh nghiệp (DNNN), tạo ra tâm lý ỷ lại, rằng nếu như mình cạnh tranh không được thì sẽ xin Nhà nước dựng thêm nhiều vòng bảo hộ khác, xin thêm trợ cấp… Nhưng đã đến lúc chấm dứt thói quen này.

Nhà nước không thể bỏ tiền cứu được

Nhắc đến những dự án thua lỗ xin giải cứu, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từng thẳng thắn: “Quan điểm của chúng tôi lời ăn lỗ chịu. Cổ đông nhà nước ở những DN đó quản lý không tốt thì phải chịu trách nhiệm, chia sẻ rủi ro. Nếu dự án không hiệu quả phải chấp nhận thoái vốn, bán cho người khác. Giờ nhà nước không thể bỏ tiền cứu được”.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng: Các lời đề nghị hỗ trợ thời điểm nay thật khó chấp nhận. Hãy đem những cam kết quốc tế ra để nói với DN rằng, đây là sức ép để cải cách, nếu không hãy đi ra khỏi DN, chúng tôi sẽ thuê các nhà quản trị có năng lực để điều hành DN, hoặc cổ phần hóa DN, giao DN cho khu vực tư nhân có khả năng để quản lý, làm cho DN hoạt động hiệu quả hơn.

doanh nghiep nha nuoc

 

“Trước hết Nhà nước cần tạo sự đồng thuận về nguyên tắc hoạt động của các DNNN, đó là lợi nhuận là việc bắt buộc, còn lỗ phải chịu trách nhiệm”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Về dài hạn phải tiếp tục cổ phần hóa mạnh hơn nữa các DNNN, giải pháp này đã nói từ rất lâu. Nhà nước phải giảm số lượng các DNNN, nhờ đó cơ chế xin cho đối với những DN yếu kém mới giảm đi.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Kiến Thành nêu ý kiến: Những cái thua lỗ bán được bao nhiêu thì bán, không lý do gì nhà nước phải tiếp tục bù lỗ những dự án thua lỗ. Những DN nào hoàn toàn bế tắc, không có thị trường thì phải thanh lý để cắt lỗ, đổ tiền thêm làm gì.

Ông Phạm Đức Trung cho rằng: lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần đưa ra thông điệp rõ ràng về việc áp dụng cơ chế thị trường đầy đủ đối với DNNN. Các DN đa sở hữu có vốn nhà nước càng phải quán triệt nguyên tắc này. Và một trong những nguyên tắc quan trọng của việc áp đặt cơ chế thị trường chính là nguyên tắc "lời ăn lỗ chịu", hay nói rộng hơn là phải áp đặt nguyên tắc ràng buộc ngân sách, thiết lập kỷ luật tài chính, Nhà nước không trả nợ thay cho doanh nghiệp, không giải cứu khi thua lỗ và lâm vào tình trạng phá sản…

“Khi một DNNN được hỗ trợ hoặc tránh phải giải thể, phá sản và không bị xử lý trách nhiệm để xảy ra thua lỗ thì họ luôn tin rằng sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tiếp theo. Nếu như lòng tin này trở thành một tâm lý chung có tính hệ thống thì không thể nói tới việc áp đặt cơ chế thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước như đã đề ra”, ông Trung cảnh báo.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, nếu do cú sốc tạm thời, do khó khăn, thiên tai, địch họa, do bất ổn kinh tế thế giới ảnh hưởng đến lĩnh vực ngành nghề… dẫn đến DN rơi vào khó khăn, thì lúc đó mới có cơ sở để Nhà nước xem xét, cân nhắc để cứu. Còn nếu từ trước đến nay DN đã yếu kém toàn tập, không có hiệu quả thì không có cơ sở để xem xét giải cứu.

Chấm dứt cơ chế khuyến khích đi xin

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận xét: Có thể nói, cơ chế của chúng ta đang khuyến khích DNNN cứ khó khăn lại ngửa tay xin tiền.

Trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, Hàn Quốc không dựa vào khu vực DNNN, mà dựa vào khu vực DN tư nhân nhưng nguồn lực của Nhà nước, trong khi đó chúng ta dựa vào DNNN và nguồn lực của Nhà nước.

Việc phát triển kinh tế dựa vào khu vực DN tư nhân với nguồn lực của Nhà nước, cộng với sức ép cạnh tranh thị trường và cạnh tranh quốc tế đã cho ra đời những DN hàng đầu thế giới như chúng ta thấy hiện nay như Huyndai, Posco… Nhiều DN đã trưởng thành trong giai đoạn đó, trở thành rường cột của đất nước. Sau này có những DN khác ra đời muộn hơn, như LG, Samsung…

Với Trung Quốc, khi gia nhập WTO đã soạn 1 chương về DNNN để cải cách DNNN, đưa DNNN vào các cam kết của WTO, tạo sức ép buộc các DN phải tuân thủ nếu muốn sống còn và không có cơ chế xin cho. Nhờ đó, sau WTO, Trung Quốc như một con hổ được chắp thêm cánh, tăng trưởng vượt bậc.

Trong khi đó, Việt Nam lại thiết kế những chính sách nhằm tạo ra những vòng bảo hộ cho DNNN, tạo ra tâm lý ỷ lại, rằng nếu như mình cạnh tranh không được thì sẽ xin Nhà nước dựng thêm nhiều vòng bảo hộ khác, xin thêm trợ cấp… Vì thế, Việt Nam đã không được chắp thêm cánh mà còn đeo thêm cục chì ở cổ, đó chính là những DNNN với những gánh nặng nợ nần, yếu kém.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) khẳng định: Trong các nền kinh tế thị trường đầy đủ, không có một Chính phủ nào tự đặt ra khuôn khổ chính sách và điều kiện pháp lý để giải cứu các DN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, bất kể là DNNN hay DN tư nhân.

Ở nước ta, pháp luật về DN và DNNN hay về tổ chức chính phủ cũng không có bất cứ quy định nào về trách nhiệm phải hỗ trợ các khoản thua lỗ của DNNN. Nếu có, chỉ là các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực khuyến khích đầu tư, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tiếp cận tài chính ưu đãi... nhưng chắc chắn không phải bù đắp các khoản thua lỗ.

“Một số ý kiến biện minh cho vai trò "giải cứu" của Chính phủ thường lấy trường hợp Hoa kỳ trong những năm khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng bản chất của các hành động can thiệp đó là hoạt động đầu tư của Chính phủ (mua - bán nợ xấu ngân hàng) hoặc tái cơ cấu quản trị (đặt Fannie Mae và Freddie Mac - hai trong số những nhân tố dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008 dưới quyền quản trị có thời hạn của Chính phủ)”, chuyên gia CIEM phân tích.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn