Trong khi doanh nghiệp nội vừa chịu sức ép cạnh tranh, chịu sự quản lý của pháp luật thì doanh nghiệp ngoại lại nhơn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Dễ dàng hốt bạc
Hiện nay, tại Việt Nam xuất hiện nhiều doanh nghiệp xuyên biên giới hoạt động dịch vụ truyền hình trả tiền gồm: WeTV (Trung Quốc), iQiYi (Trung Quốc), Iflix (Malaysia), Netflix (Mỹ)...Trong đó, Netflix đang là đối thủ đáng gờm nhất.
Các doanh nghiệp ngoại kinh doanh bằng việc cung cấp cho người dùng web, smartphone, các app trên smart TV...Việc thanh toán trả phí cho dịch vụ sẽ được thực hiện thông qua thẻ quốc tế.
Khách hàng chỉ cần thao tác đăng ký tài khoản cá nhân và nạp tiền vào thẻ là có thể trải nghiệm các dịch vụ do doanh nghiệp ngoại cung cấp. Cụ thể, WeTV có cước phí 25.000 đồng/tháng, Netflix đang cung cấp các gói với mức cước thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, iQiYi từ 49.000 đồng/tháng...
Nếu chỉ tính riêng số lượng thuê bao dùng hệ điều hành Android của Netflix lên đến 1,6 triệu thuê bao, iQiYi có hơn 445.000 thuê bao, WeTV có hơn 630.000 thuê bao (theo thống kê từ App Annie - công cụ chuyên nghiên cứu thị trường ứng dụng chuyên nghiệp dành cho các nhà phát triển).
Tuy nhiên, đáng nói là các dịch vụ của doanh nghiệp xuyên biên giới tự ý hoạt động, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Do đó, nguồn thu thì "khủng" nhưng những doanh nghiệp này không thực thi bất cứ nhiệm vụ nào về thuế.
Chưa kể, trên thực tế xuất hiện nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp xuyên biên giới có nội dung không phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt Nam, cũng như quy định của pháp luật Việt Nam. Những sản phẩm này có thể ảnh hưởng không tốt đến người xem.
Cần kiểm soát nghiêm ngặt
Sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài đã khiến thị trường truyền hình trả tiền trở nên sôi động hơn, có thêm nhiều lựa chọn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt khác lại tạo môi trường cạnh tranh không công bằng với các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT truyền hình trong nước vốn còn những hạn chế về tiềm lực, vốn và công nghệ. Vì lợi thế của các nhà cung cấp dịch vụ OTT là không cần triển khai hạ tầng nên các doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng, nhanh chóng cung cấp dịch vụ trên toàn cầu mà không có khó khăn về công nghệ cũng như pháp lý. Khi tham gia thị trường Việt Nam, các nền tảng nước ngoài còn đẩy mạnh thu mua bản quyền phim Việt bổ sung thêm vào kho dữ liệu vốn rất khổng lồ của họ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chịu khó đầu tư công nghệ, cập nhật các ứng dụng OTT để chạy đua với các nền tảng tên tuổi, không ít đơn vị còn chi trả một khoản lớn cho việc đa dạng nội dung bằng mua bản quyền phim nước ngoài, sản xuất chương trình thực tế nhằm thu hút nhiều thuê bao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước được cấp phép thì phải trả thuế và chịu sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng về nội dung. Thí dụ, một bộ phim nước ngoài có bản quyền được cung cấp trên một nền tảng trực tuyến của Việt Nam đang chịu ba loại thuế bao gồm: 10% thuế bản quyền, 5% thuế giá trị gia tăng và hơn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, hiện chưa có quy định cho các doanh nghiệp nước ngoài về cơ chế kiểm duyệt cũng như không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ thuế nào với Việt Nam.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc kiểm soát chặt hoạt động của các doanh nghiệp OTT ngoại, nhằm đưa thị trường về thế cạnh tranh công bằng.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ buộc phải có giấy phép. Nội dung trên dịch vụ truyền hình phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh.
Vì thế, đã đến lúc Nhà nước cần phải tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Theo đó, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới cũng cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký để được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Về nội dung, phải được biên tập, biên dịch và chịu cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan chức năng, bảo đảm không để xảy ra sai sót; tránh những thủ đoạn lợi dụng các dịch vụ xuyên biên giới để truyền bá thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng cần phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế tương tự doanh nghiệp trong nước.
Bình luận