Doanh nghiệp hứng khởi, chờ đón 240.000 tỷ đồng để cán đích cuối năm

Tài chínhThứ Sáu, 09/12/2022 10:14:03 +07:00
(VTC News) -

Việc NHNN nới room tín dụng có thể bơm thêm vào nền kinh tế 240.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống, chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đây là tín hiệu rất tích cực dịp cuối năm 2022, khi cả nền kinh tế đang trong giai đoạn về đích.

Giải cơn khát vốn cuối năm

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mức tăng 1,5 - 2% sẽ tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. "Có thể nói là dư địa khá lớn cho các ngân hàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế", ông Tú nhận xét.

Ông Tú thông tin thêm: Việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn nửa đầu năm đã khiến nhiều nhà băng hết hạn mức cho vay trong những tháng cuối năm, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân. Vì thế, quyết định nới room tăng trưởng của NHNN là điều mà các chuyên gia ủng hộ và kỳ vọng sẽ làm dịu được cơn khát vốn cuối năm - thời điểm mà các doanh nghiệp đang tăng tốc để về đích.

Doanh nghiệp hứng khởi, chờ đón 240.000 tỷ đồng để cán đích cuối năm - 1

Việc NHNN nới room tín dụng được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thời điểm cuối năm. (Ảnh minh họa)

"Việc cấp tiếp hạn mức tín dụng sẽ có những tác động tích cực là góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới", chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Thậm chí, TS. Nguyễn Hồng Minh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn cho rằng: "Việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% giống như “muối bỏ bể" đối với thị trường doanh nghiệp rộng lớn hiện tại. Tuy vậy, việc NHNN cấp tiếp hạn mức tín dụng lần này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thuần Việt hưởng lợi khi giải được bài toán thanh khoản dịp cuối năm".

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ quyết định của NHNN. Vì quyết định này sẽ giúp giải quyết được những hồ sơ tín dụng còn tồn do thiếu room tín dụng trước đó. Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho thấy, thiếu vốn thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Trong khi đó, nhiều ngân hàng phải hạn chế giải ngân, dừng nhận hồ sơ mới trong khoảng hai tháng gần đây, với lý do chung là "hết room".

Đáng nói hơn nữa, đây là giai đoạn về đích cuối năm, phần lớn các doanh nghiệp đều muốn đẩy nhanh kế hoạch kinh doanh để kết thúc năm với kết quả khả quan nhất. Việc này sẽ không thể không có vốn, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp sản xuất, hàng tiêu dùng, cuối năm thường là một trong những thời điểm "nóng" trong việc huy động vốn tín dụng nhất để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán.

Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, lẽ ra nếu có thể nới room vào tháng 11 thì hợp lý hơn, nhưng "chậm còn hơn không", việc chính sách được thực hiện không chỉ có tác dụng "bơm oxy" cho doanh nghiệp ở thời điểm này mà còn giúp tạo đà cho nền kinh tế được vận hành thuận lợi ít nhất trong đầu năm 2023. Vì nếu không khi hạn mức tín dụng được mở ra vào năm 2023, khi đó sẽ rất khó khởi động lại cỗ máy đã "trơ ỳ" trong thời gian dài.

Tuy nhiên, lý giải về việc đến bây giờ NHNN mới quyết định nới room tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Thời điểm quý III, các chỉ số vĩ mô nói chung cho thấy không phải điều kiện thuận lợi để tăng room tín dụng, hơn nữa thanh khoản của một ngân hàng lúc đó chưa phải là đã đảm bảo cho việc tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, thời điểm đó, NHNN cũng thấy rằng vẫn đảm bảo được tất các các chính sách có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, lãi suất. Chính vì thế, quý III chưa phải thời điểm thuận lợi để tăng trưởng tín dụng".

Doanh nghiệp như 'vớ được cọc'

Thông tin NHNN nới room tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng về cơ hội được rót vốn khi đang bước vào mùa cao điểm cuối năm.

Ông Nguyễn Ổi, Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, thời gian qua, giá cả tất cả các mặt hàng đều tăng, ảnh hưởng rất lớn đến "sức khỏe" của doanh nghiệp. Trong khi đó, để cung cấp những dự án tốt cho thị trường, doanh nghiệp rất cần vốn nhưng lại không thể vay được tín dụng từ ngân hàng do ngân hàng cũng "cạn" room. Chính việc các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay đã khiến thị trường bất động sản vừa qua gặp nhiều khó khăn. Do vậy, thông tin NHNN nới room tín dụng là động thái rất tích cực giúp nhiều doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn để tái hoạt động những kế hoạch sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm nay và đầu năm 2023 tới. 

Ông Ổi phân tích thêm, Thủ tướng mới đây cũng có chỉ đạo ngành ngân hàng quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống, đồng thời rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Chỉ đạo này của người đứng đầu Chính phủ càng tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp bất động sản trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. "Dù chưa biết có được giải ngân vốn vay hay không nhưng tôi vẫn thấy dễ thở hơn, như được tiếp thêm oxy khi những ngân hàng đang làm việc với mình được nới room tín dụng. Vì như vậy chứng tỏ cơ hội đã sáng hơn rõ rệt", ông Ổi nói.

Ông Trần Tiến Duật, Giám đốc công ty chuyên sản xuất sơn ở Hà Nội cho biết, thời gian qua, giá nguyên liệu sản xuất, cước vận chuyển đồng loạt tăng mạnh dẫn đến doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự. Thị trường tiêu thụ trong nước hạn chế do nhu cầu xây dựng của người dân hạn chế, trong khi hầu hết các dự án mới tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng nhỏ giọt nên mức tiêu thụ của doanh nghiệp rất thấp. Không chỉ khó khăn về thị trường, doanh nghiệp còn rất khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. “Đang loay hoay, chật vật tìm nguồn tiền thì nghe tin NHNN nới “room” tín dụng khiến doanh nghiệp mừng như "vớ được cọc". Đây chắc chắn sẽ là cơ hội để các ngành sản xuất có thêm tiềm lực phục hồi cuối năm. Chưa kể là khi bức tranh kinh tế vĩ mô có thêm điểm sáng thì niềm tin vào thị trường sẽ trở lại”, ông Duật chia sẻ.

Ông Trần Hữu Trường, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Chiko Food cho hay việc nới room tín dụng là điều doanh nghiệp mong đợi vì thời gian qua dù hạn mức được ngân hàng cấp mới sử dụng 60 - 70% nhưng vì cạn room nhiều ngân hàng đã ngừng giải ngân khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh không có vốn dù đang bước vào mùa cao điểm cuối năm.

Đáng lẽ ra, việc nới room phải thực hiện từ sớm hơn. Thế nhưng muộn còn hơn không, đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có dòng tiền gia tăng sản xuất, chi trả lương cho công nhân khi mà cái tết đã cận kề", ông Trường nói.

Mở rộng tín dụng kiêm giảm lãi suất

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc phân bổ tín dụng lần này có nhiều mong muốn và mục tiêu đặt ra. Trước hết là tạo điều kiện có thêm dư địa để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết. Nhưng việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích những ngân hàng có khả năng thanh khoản dồi dào thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.

Chính vì thế, việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

NHNN tiếp tục vừa theo dõi hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng vừa tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại để có điều kiện cung ứng vốn một cách ổn định đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay.

Công Hiếu - Phạm Duy
Bình luận
vtcnews.vn