Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hôm 27/9 đã hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn toàn bộ lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 trị giá 1.000 tỷ đồng được phát hành ngày 27/9/2021 và ngày đáo hạn 27/9/2024
Ngay ngày hôm sau (28/9), nhà băng này cũng mua lại toàn bộ trước hạn 2 năm lô trái phiếu OCBL2124008 có kỳ hạn 3 năm được phát hành ngày 28/9/2021 với giá trị 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 6/2022, ngân hàng OCB đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Trong đó, lô OCB.BOND02.2020 có kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 1/6/2020 được OCB mua lại toàn bộ, giá trị 1.000 tỷ đồng. Lô OCBL2124002, phát hành ngày 2/6/2021 được OCB mua lại toàn bộ 1.500 tỷ đồng.
Hồi tháng 5/2022, OCB cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã OCB.BOND01.2020 kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 12/5/2020 giá trị 200 tỷ đồng .
Như vậy, 5 lô trái phiếu phát hành năm 2020 và 2021 được OCB mua lại trong năm 2022 tổng giá trị lên đến 4.700 tỷ đồng.
17 lô trái phiếu được phát hành trong các năm 2017 và 2018 được Công ty cổ phần Yamagata mua lại toàn bộ hôm 16/9 với tổng giá trị trái phiếu mua lại là hơn 4.500 tỷ đồng. Trước đó 3 lô trái phiếu khác cũng được Yamagata mua lại trước hạn giá trị 300 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Azura, hôm 6/9 công bố đã mua lại hơn 7.300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn được phát hành trong năm 2018 và 2019.
Không những vậy, mới đây, ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp nhanh tay mua lại trái phiếu trước hạn trong bối cảnh Bộ Tài chính công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Ngày 29/9, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) công bố vừa thực hiện mua lại một phần lô trái phiếu doanh nghiệp mã HAGLBOND16.26 trị giá 605 tỷ đồng, thời gian hoàn tất 28/9, số dư nợ trái phiếu còn lại là 5.271 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 26/9, Nghị quyết của HAG thông qua việc chi 500 tỷ đồng mua bổ sung trước thời hạn trong lô trái phiếu HAGLBOND16.26. Số tiền này nằm trong kế hoạch 1.700 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành gần 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.500 đồng/cp.
Như vậy, HAG gấp rút bỏ ra hơn 1.100 tỷ đồng mua trước hạn lô trái phiếu HAGLBOND16.26
Hôm 9/9, HĐQT CTCP Chứng khoán VIX (VIX) đã thông qua phương án mua lại lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng phát hành ngày 4/10/2021, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 8%/năm. Lãi suất được trả mỗi năm một lần, kỳ tính lãi đầu tiên là từ 4/10/2021 đến hết ngày 3/10/2022. Ngày thanh toán lãi đầu tiên là 4/10/2022.
Như vậy, lô trái phiếu mà Chứng khoán VIX của cổ đông lớn Nguyễn Văn Tuấn (CEO Tập đoàn Gelex) được mua trước hạn hơn 2 năm.
Chứng khoán VIX trước đó cũng mua lại toàn bộ 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, phát hành ngày 5/4/2021 và đáo hạn ngày 5/4/2024.
CTCP Tập đoàn Gelex của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn hôm 19/5/2022 đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng, cũng sớm hơn so với kỳ hạn 2 năm. Số trái phiếu nói trên có kỳ hạn 3 năm, được phát hành ngày 19/5/2021 và lãi suất cố định 8,5%/năm. Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 18 triệu cổ phiếu GEX tại Tập đoàn Gelex và hơn 21 triệu cổ phiếu PXL của CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn.
Kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện nhiều “lỗ hổng” liên quan phát hành trái phiếu. Mới đây, tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành.
Bình luận