Báo cáo tài chính quý I/2019 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) cho thấy doanh thu thuần đạt hơn 2.979 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng quý năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ là 2.895 tỷ đồng, tăng 46% khiến lợi nhuận gộp giảm 63% còn 84,4 tỷ đồng.
Trong khoảng thời gian trên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của FLC bất ngờ đội lên nhiều lần, tăng tương ứng xấp xỉ 110% và 62%. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế lao dốc đột ngột, từ 99,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước xuống còn 8,1 tỷ đồng.
Trong các mảng kinh doanh của FLC, mảng bán hàng hóa mang về tổng doanh thu 1.403 tỷ đồng, chiếm 46,5%.
Kinh doanh bất động sản mang về cho FLC 971 tỷ đồng doanh thu và 254 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Trái lại, mảng cung cấp dịch vụ lỗ 176 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn FLC tính đến 31/3/2019 là hơn 26.527 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả hiện là 17.503 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 14.040 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 3.463 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, FLC trả lãi vay gần 87 tỷ đồng.
Năm 2018, FLC mặc dù báo lãi ròng 398 tỷ đồng, tăng 5% so với 2017, tuy nhiên doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được hơn 70% mục tiêu lãi 560 tỷ đồng. Cùng với FLC, một doanh nghiệp khác của tỷ phú Trịnh Văn Quyết là FLC Faros (ROS) cũng kết thúc năm mà chỉ hoàn thành được 53% mục tiêu kinh doanh.
Liên tục bị cưỡng chế thuế
Trong văn bản cung cấp thông tin theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM mới đây, FLC cho biết đã nhận 66 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng từ năm 2015 đến nay.
Tổng số tiền bị cưỡng chế trong giai đoạn này là hơn 160 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là nợ tiền thuế và tiền chậm nộp quá 90 ngày từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.
"FLC chấp hành kịp thời, đầy đủ toàn bộ nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý ngay sau thời điểm nhận được các quyết định cưỡng chế", văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM của FLC nêu.
Bình luận