• Zalo

Dọa hủy 'Dòng chảy phương Bắc 2', Mỹ có thể bù đắp thiếu hụt khí đốt cho Đức?

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 11/02/2022 10:51:48 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc hủy dự án "Nord Stream 2" (Dòng chảy phương Bắc 2) sẽ gây tổn hại lớn cho Đức.

Trong cuộc họp báo chung tại Washington với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết dự án khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến Đức sẽ không khơi thông nếu Nga tấn công Ukraine.

Theo Tổng thống Biden, chính quyền ông đang xem xét phát triển nguồn cung cấp năng lượng thay thế cho châu Âu để bù đắp sự thiếu hụt do các lệnh trừng phạt mà phương Tây có thể áp đặt đối với Moskva liên quan đến tình hình Ukraine.

Dọa hủy 'Dòng chảy phương Bắc 2', Mỹ có thể bù đắp thiếu hụt khí đốt cho Đức? - 1

Tuyến đường vận chuyển khí đốt Nord Stream 2 từ Nga tới Đức. (Ảnh: DW)

Tuy nhiên, Sputnik dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Canada Patrick Armstrong cho biết: "Việc hủy bỏ dự án 'Dòng chảy phương Bắc 2'  sẽ khiến Nga tổn thất về tài chính nhưng nó thực sự sẽ gây tổn hại cho Đức và khí LNG của Mỹ không thể bù đắp sự thiếu hụt".

Ông Canada Patrick Armstrong cho rằng, Đức đang bị kẹt giữa áp lực của Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga và việc cần quan hệ tốt với Nga để hưởng lợi nhập khẩu năng lượng từ Moskva.

"Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang bị buộc phải đối mặt với một vấn đề mà họ không muốn đối mặt. Sự phụ thuộc vào Washington sẽ hủy hoại họ. Tối hậu thư của Nga đã đẩy họ đến sự lựa chọn này", ông Armstrong nói.

Cựu quan chức ngoại giao Canada nhấn mạnh, trong 3/4 thế kỷ, Đức đã phục vụ các yêu cầu của Mỹ, và thái độ này đã ăn sâu đến mức các nhà lãnh đạo ở Berlin dường như không thể thách thức được điều đó.

Theo Canada Patrick Armstrong, Đức bị đặt vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" về năng lượng khi quan hệ Ukraine và Nga trở nên căng thẳng, áp lực từ Mỹ gia tăng.

Nhà sử học và quân sự nổi tiếng, đại tá Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Doug Macgregor cho rằng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không định làm tổn hại đến quan hệ ngoại giao và thương mại nồng ấm giữa Đức và Nga.

"Thủ tướng Scholz sẽ không đặt 'Dòng chảy phương Bắc 2' vào rủi ro vì mối quan hệ kinh tế tích cực lâu dài của Đức với Nga và tác hại của hành động như vậy đối với lợi ích của Berlin trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân”, ông Doug Macgregor nói.

Tuy nhiên, ông Doug Macgregor cho rằng Thủ tướng Scholz chỉ vừa mới nhậm chức, chưa dám thách thức chính quyền Mỹ.

Dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" nhằm vận chuyển thêm khí đốt của Nga tới Tây Âu đã hoàn tất khâu xây dựng nhưng chưa được phê duyệt để đưa vào hoạt động.

Ukraine và Mỹ là những nước phản đối quyết liệt nhất dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" khi cho rằng tuyến đường ống này sẽ khiến châu Âu quá phụ thuộc vào Nga. Đây là yếu tố Moskva có thể sử dụng để làm công cụ chính trị, buộc châu Âu phải nhượng bộ. Tuy nhiên, Nga luôn khẳng định "Dòng chảy phương Bắc 2" chỉ là dự án thuần về kinh tế, không mang ý nghĩa chính trị.

Kông Anh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp