Thị trường chứng khoán đang đà hưng phấn. Ngoài việc dòng tiền ồ ạt đổ vào giao dịch, cổ phiếu tăng giá ngập các sàn, VN-Index liên tục lập đỉnh mới thì lượng tài khoản được mở mới tăng kỷ lục cũng là điểm nhấn của bức tranh chứng khoán.
Ghi nhận song cũng không quên cảnh báo về xu hướng này, chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, cơn "sốt" đầu tư chứng khoán đang cuốn nhiều nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường này. Lợi suất hấp dẫn với kết quả chỉ một phiên tăng trần cũng đã bằng lãi tiết kiệm cả năm khiến lượng nhà đầu tư đang tăng đột biến. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng và cân nhắc cẩn thận trước khi lựa chọn. “Rất có thể người chơi sẽ mắc bẫy bong bóng”, ông Hiếu cảnh báo.
Cũng e ngại tình trạng "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, một chuyên gia phân tích: "Thường cái gì phát triển quá nóng sẽ có sức thu hút lớn, tạo phong trào. Nhưng đi kèm theo đó là nhiều nguy cơ. Nhất là khi thị trường không phản ánh đúng tăng trưởng kinh tế. Năm vừa qua kinh tế tuy tăng trưởng dương nhưng ở mức rất khiêm tốn, hoạt động sản xuất cầm chừng, có nơi đình trệ, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhưng thị trường chứng khoán lại tăng quá nóng. Điều này cho thấy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế". Chuyên gia này cảnh báo, khi các chỉ số trở về đúng giá trị của nó thì người thiệt hại nhiều nhất chính là những nhà đầu tư mới, ít kinh nghiệm.
Chuyên gia tài chính kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng có những cảnh báo về hiện tượng nhiều nhà đầu tư ồ ạt tham gia giao dịch chứng khoán. Theo tư vấn của ông Lực, cần có sự đầu tư đa dạng hơn thay vì tập trung vào một lĩnh vực. “Đầu tư vào chứng khoán cần cái đầu lạnh chứ không tham gia theo kiểu phong trào. Nhà đầu tư cần hiểu rõ các sản phẩm mình giao dịch, từ đó có những đánh giá, phân tích về chúng thật kỹ càng để tránh rủi ro”, ông Lực nói. “Chứng khoán không bao giờ là cuộc chơi theo kiểu tâm lý đám đông”, ông Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính - cho rằng, lãi suất ngân hàng thấp chính là nguyên nhân khiến nhà đầu tư đổ xô vào chứng khoán. Ông Độ phân tích, kể từ giữa năm 2020 đến nay giá chứng khoán tăng mạnh trở lại nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021. Trong năm sau, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ cao hơn do chỉ phải so với nền thấp của năm nay. Ngoài ra, lãi suất thấp cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ giá chứng khoán thời gian qua. Cụ thể, một mặt lãi suất thấp dẫn đến định giá chứng khoán cao hơn. Mặt khác lãi suất thấp cũng khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn, từ đó gia tăng sức mua trên thị trường.
Dự đoán về diễn biến của chứng khoán trong thời gian tới, theo ông Độ, sau khi chỉ số VN-Index tăng gần gấp đôi và tiến tới sát mức đỉnh của năm 2018, giá chứng khoán đã không còn rẻ nữa. Bởi vậy, có khả năng VN-Index sẽ chững lại một thời gian. Xu hướng tiếp theo không dễ dự đoán. Tuy nhiên, với kỳ vọng mặt bằng lãi suất hiện nay được duy trì ít nhất đến giữa năm 2021 cũng như sự hưng phấn của các nhà đầu tư mới, khả năng giá chứng khoán tăng có vẻ lớn hơn khả năng giảm.
Theo nhận định của ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán VN-Direct, xu thế tăng điểm trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp diễn nhờ triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam nói chung và lợi nhuận của các công ty niêm yết nói riêng trong năm 2021.
Chuyên gia tài chính cũng viện dẫn các số liệu về lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán mới đây. Theo đó, toàn bộ chỉ số VN-Index được dự đoán sẽ tăng 23% so với năm trước và tỷ suất cổ tức của VN-Index đạt 1.8% trong năm 2021.
Về vĩ mô, theo ông Hinh, GDP của Việt Nam được dự báo tăng 7,1% trong năm 2021. Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành sản xuất chế biến chế tạo tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng sang Việt Nam, tạo đà cho tiêu dùng trong nước hồi phục nhanh và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khả quan trong bối cảnh nền kinh tế và thương mại thế giới phục hồi trong năm 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ nền kinh tế như nới lỏng tiền tệ, tăng cường giải ngân đầu tư công trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp trong năm 2021.
Ông Cấn Văn Lực cũng khá lạc quan về những triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 với xu hướng phát triển mạnh mẽ. “Năm 2021, chứng khoán vẫn tiếp tục được lựa chọn giao dịch nhiều. Kinh tế thế giới và Việt Nam chắc chắn sẽ hồi phục so với 2020. Đó là điểm tựa để thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc”, ông Lực dự đoán.
Đưa ra ý kiến dự đoán thận trọng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Thị trường chứng khoán tăng trưởng trên nền tảng tăng trưởng chung của nền kinh tế đó. Năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với những khó khăn do tình hình COVID-19. Vì vậy cần phải có những đánh giá, phân tích thật chính xác về xu hướng phát triển của chứng khoán trong thời gian tới”.
Vì thế, cần có những đánh giá về mức độ ổn định của thị trường chứng khoán ngay trong quý 1/2021. Từ đó, các công ty tài chính đưa ra những đánh giá chung về xu hướng của kênh đầu tư này trong năm 2021.
Mới đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tính đến cuối năm 2020.
Theo đó, chỉ trong tháng 12/2020, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới đạt 63.629 tài khoản, cao kỷ lục kể từ trước tới nay. Số lượng tài khoản mở mới trong tháng cuối năm 2020 tăng 53,3% so với tháng trước đó.
Tại ngày 31/12/2020, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam là hơn 2,77 triệu, tăng 396.515 tài khoản so với cuối năm 2019.
Khảo sát của các công ty tài chính cũng cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở tài khoản nhiều nhất trong tháng 12/2020 với 63.075 tài khoản. Con số này đã đưa số lượng tài khoản giao dịch lên gần 2,73 triệu. Kết quả này cũng là mức kỷ lục kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
Bình luận