(VTC News) – Nếu xét về khả năng kiếm tiền và lãnh đạo doanh nghiệp của con đại gia Việt, Cường đô la dường như đuối sức hơn hẳn.
Người gắng sức
Năm 2012, khi bầu Kiên bị bắt, thiếu gia Trần Hùng Huy, con trai đại gia ngân hàng Trần Mộng Hùng được đôn lên nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB. Tiếp quản ngân hàng tại thời điểm ACB gặp nhiều thăng trầm nay, hơn 2,5 năm đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của thiếu gia sinh năm 1978, ACB đã trải qua biến động.
Nếu chỉ xét về lợi nhuận sau thuế, các con số cho thấy sự không ổn định, thậm chí đi xuống dù thời gian đầu, ông Huy đã thành công khi giúp ACB thoát lỗ.
Cụ thể, năm 2013, ACB có hơn 1 quý đạt lợi nhuận sau thuế trên 400 tỷ đồng. Nhưng sang năm 2014, chỉ tiêu này giảm dần, thậm chí xuống “đáy” 114 tỷ đồng trong quý 4/2014. Sang quý 1/2015, khoản lãi ròng vọt lên 280,7 tỷ đồng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với những khoản lãi 400 tỷ trước đây.
Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB |
Vì vậy, khi xét tổng thể, hoạt động của ngân hàng này vẫn đang đi lên. Điều đó được thể hiện rõ qua thái độ của nhà đầu tư với cổ phiếu ACB. Tính từ đầu năm tới ngày 4/6, ACB đã tăng giá mạnh lên 20.600 đồng/CP.
Mường Thanh không phải là công ty niêm yết nên ngoài đại gia điếu cày Lê Thanh Thản, các thành viên còn lại trong gia đình ông đều khá xa lạ với dư luận. Chỉ đến khi ái nữ Lê Thị Hoàng Yến, con gái ông Thản đã mua 400.000 cổ phiếu PDC của CTCP Du lịch dầu khí phương Đông và nâng tỷ lệ sở hữu tại PDC từ 3,91% lên 6,58%, người ta mới chú ý đến “của để dành” nhà ông Thản.
Với việc nắm giữ gần 1 triệu cổ phiếu PDC, Lê Thị Hoàng Yến có khối tài sản trị giá 8,3 tỷ đồng. Hiện nay, dù chưa là tên tuổi lớn trên thị trường chứng khoán nhưng ái nữ Hoàng Yến vẫn có tiếng trong làng bất động sản khi phụ trách mảng khách sạn của Mường Thanh. Và cô có đóng góp không nhỏ vào thành công của công ty do cha gây dựng nên.
Có thể thấy, thời gian này, các cậu ấm, cô chiêu nhà đại gia Việt – những người được cha mẹ tin tưởng giao cho trọng trách lớn – không nhiều người gặt hái được thành công như 10 năm về trước. Đa phần đều đang gặp khó.
Người gặp khó
Thiếu gia gặp khó khăn nổi tiếng nhất phải kể đến doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la). Nắm giữ chức danh Phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, Cường đô la chưa thể hiện được gì nhiều trong suốt thời gian dài qua.
Trong khi nhiều đại gia bất động sản khác đã vượt khó và dần lấy lại phong độ thì Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa có nhiều biến chuyển tích cực. Công ty vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như nợ khủng, tồn kho lớn, lợi nhuận thấp. Vì vậy, giá cổ phiếu QCG có chuỗi ngày dài giao dịch dưới mệnh giá. Chốt phiên giao dịch 4/6, QCG đứng ở mức 7.200 đồng/CP.
Cường đô la ngày càng lép vế so với mẹ và em gái |
Một đại gia địa ốc khác đang gặp khó như QCG là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR). Nhưng SCR khác QCG ở chỗ nếu QCG chỉ gặp khó khăn thị trường thì SCR phải mang thêm biến cố gia đình.
Khi gia đình họ Đặng phải đối mặt với hàng loạt tin xấu, nghiệp kinh doanh của cả gia đình cũng vì thế mà đi xuống. Lợi nhuận của SCR tuột dốc tới mức cổ phiếu SCR rớt xuống dưới mệnh giá. Năm 2014, Chủ tịch Hội đồng quản trị SCR – ông Đặng Hồng Anh phải xin lỗi cổ đông vì biến cố gia đình.
Ông Hồng Anh cho rằng cú sốc gia đình ông năm 2012-2013 ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ của Sacomreal với các định chế tài chính.
Ông Đặng Hồng Anh, con trai đại gia ngân hàng nổi tiếng Đặng Văn Thành từng được người trong ngành đánh giá rất cao về khả năng lãnh đạo cũng như tư duy kinh doanh. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để ông giúp SCR sớm thoát ra khỏi những khó khăn chồng chất.
Tháng 4 năm nay, ông Hồng Anh khiến cổ đông bất ngờ khi xin miễn nhiệm chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị SCR ngay trước thềm Đại hội cổ đông thường niên 2015. Trước đó khá lâu, ông cũng đã ngừng công việc Tổng giám đốc SCR của mình
Khi công ty vẫn gặp khó, động thái này của ông Hồng Anh khiến nhiều người nghĩ rằng ông đã rút lui khỏi SCR. Tuy nhiên, trên thực tế, ông vẫn gắn bó với công ty khi tuyên bố sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng sáng lập của SCR để điều hành công ty ở quy mô cao hơn.
Chưa thực sự thành công về mặt lãnh đạo doanh nghiệp trong thời gian này nhưng ông Hồng Anh vẫn duy trì được khối tài sản khổng lồ của mình. Với hàng chục triệu cổ phiếu SCR và STB, ông Hồng Anh đang có hơn 290 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Có xuất phát điểm như ông Hồng Anh khi có cha là cựu Phó chủ tịch Eximbank Phạm Trung Cang, tiểu thư Phạm Đỗ Diễm Hương khá suôn sẻ trên con đường tạo dựng sự nghiệp. Nhưng khi đứng ở vị trí cao nhất, Diễm Hương lại không giữ được phong độ.
Ngày 30/5/2013, ái nữ sinh năm 1989 của đại gia họ Phạm được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TPC). Tuy nhiên, dưới “triều đại” của Diễm Hương, lợi nhuận công ty lại đang có xu hướng đi xuống.
Cùng chung “số phận” với QCG hay SCR, cổ phiếu TPC giao dịch dưới mệnh giá trong suốt thời gian dài. Đóng cửa phiên 4/6, TPC dừng ở mức 7.000 đồng/CP. Vì vậy, dù nắm giữ số lượng cổ phiếu không nhỏ nhưng nữ Chủ tịch trẻ nhất sàn chứng khoán chỉ có khối tài sản trị giá 6,3 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kinh doanh của công ty chưa được “đẹp” không có nghĩa khả năng lãnh đạo của các cậu ấm, cô chiêu có hạn. Chỉ là họ cần thêm nhiều thời gian hơn để giúp công ty vượt khó.
Bảo Linh
Bình luận