Phóng sự

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên

Thứ Hai, 08/04/2024 06:40:00 +07:00

(VTC News) - Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp (SN 1936) kể lại những kỷ niệm khi được tham gia chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm về trước.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 1

 

Dù bước sang tuổi 88 nhưng tinh thần của Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp vẫn minh mẫn và tươi trẻ như tuổi đôi mươi. Cô văn công năm xưa không ngần ngại biểu diễn một tiết mục múa khi nhận được lời đề nghị.

Trong tiếng nhạc rộn ràng, bà Diệp đưa chân, uốn tay nhẹ nhàng theo điệu xòe hoa của đồng bào Thái. “Đây là tiết mục được bộ đội yêu cầu chúng tôi biểu diễn nhiều nhất. Tôi đã biểu diễn không biết bao nhiêu lần tiết mục này dọc đường hành quân lên Tây Bắc”, bà Diệp chia sẻ.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 2

Bà Ngô Thị Ngọc Diệp biểu diễn tiết mục xòe hoa tại nhà riêng. (Ảnh: Kim Thược)

Tháng 12/1953, bà Diệp khi ấy tròn 17 tuổi và công tác tại Đoàn Văn công 308. Buổi sáng, cả đơn vị nhận nhiệm vụ chuẩn bị tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ), buổi chiều cả đoàn đã sẵn sàng quân tư trang lên đường hành quân.

Bà Diệp kể lại: “Nhận lệnh xong, chúng tôi chia thành từng nhóm, hành quân cùng một sư đoàn bộ đội từ Thái Nguyên lên chiến khu. Trên đường đi, chúng tôi có nhiệm vụ kể chuyện cho bộ đội nghe.

Những lúc nghỉ 5, 10 phút, chúng tôi múa, hát động viên tinh thần chiến sĩ. Hành quân trong đêm nên lúc nghỉ biểu diễn có khi trời còn mờ mờ sáng. Khi biểu diễn, chúng tôi không được thắp đèn, không được đốt lửa vì ai cũng hiểu nhiệm vụ hành quân là tuyệt đối bí mật”.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 3

 

Lúc ấy, vì mới học được điệu múa xòe hoa của người Thái nên các thành viên trong đoàn văn công nóng lòng muốn biểu diễn cho bộ đội xem. Để biểu diễn tiết mục này, trên tay phải có nhạc cụ.

Không tìm được nhạc cụ, bà Diệp chợt nghĩ ra ý tưởng lấy chiếc nắp bật lửa xâu vào dây, đeo ở tay rồi bắt đầu múa xòe hoa. “Bộ đội thấy văn công lấy nắp bật lửa ra múa bèn đặt tên là điệu múa xòe bật lửa”, nữ văn công kể về sự tích ra đời điệu múa có một không hai.

Trên đường hành quân, có lẽ điều khiến những người lính vui mừng nhất là mỗi lần được xem văn công biểu diễn. Không có sân khấu, bộ đội dọn dẹp bãi cỏ cho đoàn diễn kịch, hát múa.

Bộ đội kiếm được chỗ nào ngồi tạm chỗ đó, nhiều khi ngồi ở gốc cây, hoặc trải lá rừng ra ngồi. Ngoài tiết mục múa xòe bật lửa, đoàn văn công của bà Diệp còn được các chiến sĩ đề nghị diễn kịch.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 4

Một tiết mục biểu diễn của bà Diệp khi còn trẻ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Diệp vẫn nhớ đó là một tiết mục kể về hành trình bộ đội vào bản giác ngộ cách mạng cho người dân. Bà đóng vai vợ, một anh trong đoàn văn công đóng vai chồng. Vì giác ngộ cách mạng nên người vợ khuyên chồng lên đường tòng quân.

Diễn viên hát đến đâu bộ đội bên dưới vỗ tay đến đó. “Anh đi đi, giết lũ giặc báo thù. Anh đi đi, giết lũ giặc báo thù…”, bà Diệp ngân nga lại câu hát trong vở kịch đã từng diễn ở chiến trường năm nào.

Những chiến sĩ văn công thời đó hầu hết không được đào tạo bài bản. Họ được lựa chọn vì có năng khiếu. Để biểu diễn, họ phải học từ thực tế, phải sáng tác dọc đường, đôi khi vừa sáng tác vừa biểu diễn. Nhiều khi chỉ là một bài thơ cũng làm bộ đội phấn khởi.

Từ ngày hành quân theo chiến sĩ Điện Biên, bà Diệp bắt đầu nhận thức được rằng, đơn vị của mình cũng là binh chủng quan trọng, giúp cho bộ đội có khí thế hăng hái tiến lên. Hồi đấy, mỗi văn công như bà Diệp phải đeo một ba lô tư trang, nếu có quần áo biểu diễn, nhạc cụ thì vác theo. Nước thì dùng ống tre. Ngoài ra, mỗi người có khoảng 3 đến 5 kg gạo quấn ngang người. Bộ đội cấp dưỡng thường ưu tiên phụ nữ nên cho đoàn ăn trước bao gạo của chị em để hành quân nhẹ hơn.

Lúc ấy chúng tôi ăn rất đói, thiếu chất. Các anh nuôi phải vào rừng hái rau dớn, rau tàu bay. Ăn mãi rau tàu bay cũng chán. Vui nhất là mỗi khi đi qua những bản làng, đồng bào cho chúng tôi rau cải, nhất là rau cải Mèo. Đồng bào cho nhiều cũng ngại nên chúng tôi còn đổi muối để lấy rau ăn”, bà Diệp kể lại.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 5

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp xem lại những bức ảnh kỷ niệm thời trẻ. (Ảnh: Kim Thược)

Trong trí nhớ của bà Diệp, những đoàn quân kéo lên Tây Bắc thời điểm đó trùng trùng, điệp điệp. Không chỉ có bộ đội, văn công mà lực lượng dân công cũng đông không kém. Bà Diệp kể rằng: “Bộ đội mà gặp dân công thì sướng lắm! Cứ hỏi thăm nhau quê ở đâu. Anh nào mà gặp được cùng quê vui mừng, sung sướng, cảm giác họ vui như gặp được người thân của mình ở chiến trường”.

Bây giờ, mỗi lần đau chân bà Diệp lại nghĩ không hiểu tại sao ngày ấy có thể đi bộ được hàng tháng trời như thế. Mỗi ngày, bà và đồng đội đi suốt từ 17h đến 2h đêm mới nghỉ. Lúc mệt quá, vô thức đâm vào người đi phía trước lại tỉnh dậy. Trước khi hành quân, đoàn văn công được phát mỗi người một chiếc bạt, một mảnh nilon. Mảnh nilon ấy coi như che mưa, che nắng. Toàn bộ đoàn hành quân phải nằm ngủ ở rừng. Thế nhưng, với bà Diệp, được nhận nhiệm vụ này là niềm vinh dự, được đi với bộ đội là sự tự hào.

Nếu anh nào không được chọn đi, phải ở nhà thì buồn lắm! Trên đường đi, bộ đội cũng truyền lửa cho chúng tôi và chúng tôi cũng truyền lửa cho bộ đội. Chúng tôi lên đường hực hực khí thế của tuổi thanh niên. Ngày ấy, những thanh niên như chúng tôi háo hức, khao khát chiến thắng cho nên tất cả là vì chiến thắng. Có lẽ vì vậy mà những khó khăn, gian khổ cũng không là gì với chiến sĩ Điện Biên”, bà Ngọc Diệp nói.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 6

 

Khi Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị chiến dịch tổng phản công, chuẩn bị đánh lớn, ngay trong đêm, đoàn văn công của bà Diệp nhận được một nhiệm vụ từ hậu phương đưa đến, đó là tất cả các đại đoàn đều phải có lá Quân kỳ quyết chiến, quyết thắng.

Chỉ huy phát cho chúng tôi một miếng vải đỏ và yêu cầu phải khâu được một chiếc Quân kỳ. Nhiệm vụ quan trọng này đã giao cho tôi và một đồng chí trong đoàn phụ trách. Quân kỳ phải có ngôi sao vàng ở giữa, phải có chữ “Quyết chiến, quyết thắng” và có tua xung quanh. Giữa không gian núi rừng, chúng tôi đều biết đó là khó khăn nhưng phải tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ”, bà Diệp nhớ lại.

Ngay đêm hôm đó, bà nảy ra ý tưởng lấy những viên thuốc sốt rét màu vàng giã ra, sau đó nhuộm hết số vải băng gạc được phát dùng khi bị thương để khâu thành ngôi sao 5 cánh. Chữ “Quyết chiến, quyết thắng” cũng được bà khâu theo cách đó. Tua rua thì được cắt từ mảnh vải dù của quân địch.

Không có thời gian nên bà và đồng đội phải tranh thủ lúc nghỉ trên đường hành quân để khâu. Đến khi xong, bà Diệp giao lá Quân kỳ cho nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiển đưa trực tiếp xuống hầm cho bộ đội.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 7

 

Sau này, nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiển kể lại với bà Diệp rằng, khi đưa lá Quân kỳ cho bộ đội thì anh em phấn khởi lắm. Sau khi nhận Quân kỳ, có anh bộ đội còn đưa lại một cuốn sổ và nhờ nhạc sĩ chép cho mấy bài hát để khi nào hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ học hát.

Tôi không thể nghĩ được rằng, trong hoàn cảnh cận kề cái chết như vậy mà tình thần của các chiến sĩ không hề nao núng. Họ vẫn lạc quan và tin tưởng mình sẽ trở về. Tinh thần Điện Biên là vậy”, bà Diệp nói.

Tinh thần lạc quan của người lính khi ấy sau này đã được nhạc sĩ Ngô Sỹ Hiển sáng tác trong bài hát mang tên Cuốn sổ tay. Bà Diệp không ngần ngại biểu diễn cho chúng tôi nghe bài hát sáng tác về người chiến sĩ Điện Biên nhận lá Quân kỳ đi vào đồn địch ngày đó.

Thời kỳ đó, những người trẻ như bà Diệp trước khi ra chiến trường không thể tưởng tượng hết được sự gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Phải lên đến tận Điện Biên, khi chứng kiến cảnh bộ đội kéo pháo vào, kéo pháo ra, họ mới cảm nhận rõ ràng điều đó.

Mỗi lần dừng tay kéo pháo, được nghe văn công biểu diễn, quả thực đó là món quà không gì sánh được. Bộ đội phải đào hào ban đêm, những lúc nghỉ giải lao về hầm trú ẩn thì đoàn văn công lại xuống biểu diễn động viên chiến sĩ.

Bà Diệp kể lại: “Lúc ấy, khi nghe bộ đội kể đào hào như thế nào, nhiều đồng chí hy sinh ra sao, rồi chứng kiến họ ăn ở trong điều kiện mưa dầm gió bấc chúng tôi mới thấy thương các anh nhiều hơn. Đại đoàn của chúng tôi chiến thắng cũng lớn nhưng hy sinh cũng rất nhiều. Tôi bây giờ vừa tự hào nhưng cũng thương anh em còn nằm lại chiến trường rất nhiều”.

Gần đến ngày tổng phản công, cùng với đại đoàn 316, 312, đoàn Văn công 308 của bà Diệp cũng được huy động làm đường cho xe tăng tiến vào Điện Biên Phủ. Bà Diệp vẫn còn nhớ, khi đang cùng đồng đội gánh cát, sỏi từ suối lên đắp đường bỗng có một chiếc xe chạy qua và người đi phía trước xe liên tục hét lớn: “Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi!”.

Lúc ấy, chúng tôi ném cả quang gánh xuống suối, tất cả đoàn không ai bảo ai đều chạy về phía trước. Hóa ra, chiếc xe đó đang chở viên tướng de Castries bị bắt sống từ hầm chỉ huy về. Trong đoàn chúng tôi có anh Vũ Hướng chạy nhanh nên kịp tiếp cận được gần chiếc xe. Anh Hướng cũng biết tiếng Pháp nên kịp nói đôi lời với tên tướng Pháp đang ngồi trong xe.

Lúc ấy, cả đoàn chúng tôi bỏ làm chạy lên đường đứng nhảy múa tưng bừng vì quá vui mừng. Niềm vui chiến thắng đến quá bất ngờ. Trước đó, chúng tôi vừa đắp đường vừa lo lắng nhiều vấn đề như: quân ta sẽ đánh như thế nào, rồi chiến thắng ra sao? Đến lúc nghe tin chiến thắng, lại bắt sống được chỉ huy địch thì niềm vui không thể diễn tả thành lời", bà Diệp xúc động nói.

Điệu múa 'xòe bật lửa' và sân khấu không thể quên của cô văn công Điện Biên - 8

 

Từ khi nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Diệp không nhớ được mình đã biểu diễn bao nhiêu sân khấu cho bộ đội. Thế nhưng, lần được biểu diễn ngay tại Mường Phăng trong Lễ mít-tinh sau chiến thắng ngày 7/5/1954 chính là sân khấu khiến bà nhớ nhất.

Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp kể: “Tôi vẫn còn nhớ quang cảnh tại Mường Phăng - Điện Biên ngày hôm đó. Sau khi đoàn văn công hát Quốc ca, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu đọc Nhật lệnh. Một dàn pháo ở trên và bộ đội đứng chật kín ở bên dưới lắng nghe.

Từng lời Đại tướng đọc ra, chúng tôi nghe đến đâu cứ rưng rưng cảm động đến đó. Trong ánh mắt của tất cả mọi người không giấu được niềm vui. Niềm vui này tôi không thể diễn tả, không thể gọi tên. Chỉ biết, trên đường về, nhiều người kéo tay tôi, ôm lấy tôi dù chúng tôi không hề quen biết”.

Đã 70 năm trôi qua kể từ sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thế nhưng, câu chuyện trên đường hành quân đi Tây Bắc và những năm tháng biểu diễn phục vụ bộ đội, dân quân chiến đấu ở Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm trí người nữ văn công.

Hoàng Thị Thược(Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn