Ngày 15/12/1953, xe tăng hạng nặng T-10 được Bộ Quốc phòng Liên Xô đồng ý chế tạo. Đây là loại xe tăng hạng nặng tiên tiến nhất và cuối cùng của Liên Xô được chế tạo sau chiến tranh. T-10 sau đó đã phục vụ trong quân đội Xô Viết gần 40 năm.
Khái niệm về phương tiện chiến đấu hạng nặng này, ban đầu gọi là IS-5, được trình bày bởi nhà thiết kế Joseph Kotin vào năm 1944. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô khi đó đã xem xét các mẫu đầy hứa hẹn khác là IS-6 và IS-7.
Tuy nhiên, sau một vài năm những mẫu xe đó bị loại bỏ. Quân đội Liên Xô quay trở lại phát triển dự án của Kotin. Cuối những năm 1940, dự án xe tăng hạng nặng trên bắt đầu thực hiện với tên gọi IS-8. Sau cái chết của nhà lãnh đạo Stalin, tên gọi cuối cùng của mẫu xe tăng đã được chấp thuận là T-10.
Ý tưởng ban đầu là phát triển dự án nhằm nâng cao độ tin cậy và tăng cường khả năng bảo vệ áo giáp, cũng như khả năng cơ động xuyên quốc gia. Theo đó, lớp áo giáp của xe tăng được lắp ráp theo độ dốc đặc biệt, sẽ giúp độ bền của chúng tăng lên. Phần phía trước của xe tăng được chế tạo theo sơ đồ "mũi giáo", đồng thời các đường viền của tháp pháo được tối ưu hóa với điều kiện di chuyển của sóng xung kích trong vụ nổ hạt nhân.
Vũ khí chính của T-10 là pháo 122 mm D-25TA mới, có tốc độ bắn lên 3 - 4viên/phút, trong khi ở các mẫu tăng hạng nặng trước đây chỉ đạt tốc độ 2-3 viên/phút.
Ban đầu dòng xe tăng hạng nặng này được đánh giá có tiềm năng hiện đại hóa cao, vì vậy một số mẫu đã được sản xuất hàng loạt từ năm 1954 -1966. Theo đó, T-10A được trang bị thêm một khẩu súng máy cải tiến với bộ ổn định dọc, thiết bị ngắm mới và thiết bị nhìn ban đêm. Trong khi T-10B là phiên bản cải tiến theo mẫu trước đó, có bộ ổn định hai mặt phẳng và tầm nhìn tiên tiến hơn. Còn T-10BK là mẫu xe tăng chỉ huy, được lắp đặt thêm một trạm vô tuyến và một bộ phận nạp điện.
Số lượng thay đổi lớn nhất là đối với biến thể T-10M. Xe tăng này nhận được pháo M-62-T2 mới, với đạn đạo cao và bộ ổn định hai mặt phẳng mới - 2E12 Liven. Ngoài ra, thay vì trang bị súng máy 12,7 mm DShK, T-10M được lắp đặt súng máy KPVT 14,5 mm. Giáp tháp pháo được gia cố thêm ở phía trước. Tất cả các thành viên, ngoại trừ người nạp đạn, đều nhận được thiết bị nhìn ban đêm.
Tổng cộng, hơn 1.500 xe tăng hạng nặng T-10 đã được Liên Xô sản xuất. Theo một số chuyên gia, phương tiện chiến đấu này có thể duy trì sức cạnh tranh cho đến cuối những năm 1980, với điều kiện phải lắp đặt thêm hệ thống điều khiển hỏa lực mới và hệ thống bảo vệ động lực học.
Dòng xe tăng hạng nặng T-10 cuối cùng của Liên Xô hoàn thành sứ mệnh hoạt động của mình vào năm 1993.
Bình luận