Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế của Việt Nam.
Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tuy nhiên chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.
Việt Nam là quốc gia ven biển với chiều dài bờ biển trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, chưa kể bờ biển của các hải đảo. Vì thế, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% GDP vào năm 2050.
Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại cũng đang ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu trên, đồng thời vẫn bảo đảm phát triển môi trường bền vững, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những năm qua, tại Việt Nam, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ngày càng được quan tâm, xây dựng, hoàn thiện, nhiều chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh đã được ban hành.
Trong đó, Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.
Năm 2004, Thủ tướng cũng ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam nhằm phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam chỉ rõ những hoạt động cần ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế là thực hiện “công nghiệp hóa sạch”, xây dựng nền “công nghiệp xanh”.
Bình luận