Không còn những cầu thủ to cao như tại ASIAD 17, U23 Việt Nam gặp bất lợi lớn về thể hình mỗi khi thi đấu quốc tế.
Không còn có được những học trò to cao như tại ASIAD 17, HLV Miura lại phải đau đầu với bài toán bóng bổng. Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn cho vị chiến lược gia người Nhật Bản khi cả 2 bàn thua trong 4 trận giao hữu vừa qua của Olympic Việt Nam đều đến từ các tình huống không chiến.
U23 Việt Nam gặp hạn chế về thể hình và thể lực |
KHÔNG CÒN NHỮNG CÂY SÀO
Tại ASIAD 17, ĐT Olympic Việt Nam đã bất ngờ đánh bại ứng viên cho ngôi vô địch Olympic Iran 4-1 trong ngày ra quân, đồng thời hạ đo ván Olympic Kyrgyzstan 1-0 để lần đầu tiên tiến vào vòng knock-out một kỳ Á vận hội với tư cách đội đứng đầu bảng. Trở về từ Hàn Quốc, HLV Miura bật mí một trong những bí quyết thành công của giải đấu trên nằm ở chiều cao của các cầu thủ.
ASIAD 17 chính là giải đấu mà ĐT Olympic Việt Nam có được dàn cầu thủ sở hữu chiều cao tốt nhất. Điển hình, ở trận thắng sốc 4-1 trước Olympic Iran, đứng trong khung gỗ là thủ thành Bửu Ngọc với chiều cao 1m90. Phía trên anh, bộ đôi trung vệ Duy Khánh và Ngọc Hải đều cao 1m80 . Bên cánh trái, Minh Tùng sở hữu chiều cao 1m83. Thấp nhất trong hàng thủ là Thanh Hiền, cũng có chiều cao lên tới 1m77. Phía trên, bộ đôi tiền vệ Huy Hùng và Hoàng Thịnh cũng có chiều cao là 1m77 và 1m78.
Nhờ chiều cao vượt trội như vậy, Olympic Việt Nam “mua” hết các tình huống bóng bổng. Chúng ta không còn phải nhận những bàn thua từ những pha lật cánh đánh đầu hay rót bóng vào vòng cấm. Đây cũng là lần hiếm hoi, một đội bóng của Việt Nam đối đầu với các đối thủ đến từ Tây Á mà không lộ rõ điểm yếu thể hình.
Đáng tiếc, khi tuyển quân cho vòng loại U23 châu Á, HLV Miura không còn kiếm được một đội hình “khổng lồ” như tại ASIAD 17. Hoàng Lâm, cầu thủ cao nhất đội (1m86), người được chiến lược gia này kỳ vọng sẽ hóa giải các tình huống đối phương dùng bóng bổng đã không thể góp mặt trong danh sách 23 cầu thủ tới Malaysia dự giải do chấn thương.
Các hậu vệ như Văn Sơn, Đức Lương, Tiến Dũng… đều có chiều cao vừa phải, HLV Miura đành phải trông chờ vào Ngọc Hải trong các tình huống chống bóng bổng.
Mọi chuyện càng nguy hiểm hơn khi ở khu vực giữa sân, hiện tại Olympic Việt Nam cũng không có những “cây sào” như Huy Hùng hay Hoàng Thịnh. Tấn Tài, Hùng Dũng, Duy Mạnh… đều có chiều cao khiêm tốn, trong khi đó cầu thủ cao nhất là Tuấn Anh của HAGL lại vốn không mạnh về không chiến.
Video U23 Việt Nam nhồi thể lực
NỖI LO CỦA HLV MIURA
Trong 4 trận đấu vừa qua gặp Hà Nội T&T, Olympic Indonesia, Olympic Uzbekistan và Đồng Nai, Olympic Việt Nam chỉ để thủng lưới 2 lần. Tuy nhiên, cả 2 bàn thắng đó đều đến từ các tình huống đối phương câu bóng hai biên vào. Rõ ràng, không chiến đang là điểm yếu của hàng thủ ĐT Olympic Việt Nam dù HLV Miura đã dành cho các học trò ở tuyến này khá nhiều lời khen.
Ngay sau trận đấu tập đầu tiên với Hà Nội T&T, khi Văn Biển đánh đầu tung lưới Hoài Anh, HLV Miura đã nhận ra “tử huyệt” của Olympic Việt Nam. Trong gần cả buổi tập sáng hôm sau, chiến lược gia người Nhật Bản đã cho đội nhà dồn sức tập đánh đầu, từ thi đánh đầu ngược theo hàng tới thi đấu đánh đầu vào khung thành đối phương.
Trong các tình huống đối phương thực hiện các đường tạt từ hai biên, hoặc đá phạt cố định, HLV Miura còn cầm tận tay từng cầu thủ, chỉ họ phải di chuyển vào vị trí nào, khi nào dậm nhảy để chiếm lợi thế. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như vẫn chưa diễn ra đúng như ý muốn của vị thuyền trưởng sinh năm 1963 khi ở trận đấu với Đồng Nai, ĐT Olympic Việt Nam lại nhận bàn thua từ một tình huống treo bóng bên cánh phải, Hải Anh bật cao đánh đầu.
Không chỉ ở hàng thủ, chiều cao của hàng công cũng đang là vấn đề khiến HLV Miura lo ngại. Nếu như tại ASIAD 17, chiến lược gia người Nhật Bản có Mạc Hồng Quân với chiều cao 1m78, tại AFF Suzuki Cup 2014 có hai “cây sào”, chuyên gia đánh đầu Anh Đức và Hải Anh thì tại vòng loại U23 châu Á, ông không có một chân sút nào có khả năng không chiến tốt.
Công Phượng, Văn Toàn hay Thanh Bình đều chưa đạt ngưỡng 1m70 và không một ai giỏi không chiến. Điều này khiến cho khả năng tấn công của ĐT Olympic Việt Nam sẽ mất đi tính đa dạng. HLV Miura sẽ khó có thể sử dụng chiêu bài tạt cánh đánh đầu trong trường hợp đội nhà tấn công trung lộ bế tắc.
Do chiều cao và khả năng không chiến của các tiền đạo ĐT Olympic Việt Nam đuối, thời gian qua rất ít khi HLV Miura cho đội luyện đòn đánh biên, tạt bóng bổng. Thay vào đó, những đường phối hợp trung lộ, hay xẻ nách, đưa bóng vào tầm thấp thường được chú trọng hơn.
Nguồn: Bóng đá+
Bình luận