Dự báo về điểm chuẩn năm 2020, đại diện Đại học Y Hà Nội cho biết căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1, có thể thấy phổ điểm các môn, các khối đều tăng. Đặc biệt, tổ hợp khối B00 (Toán - Hóa – Sinh) rất nhiều thí sinh đạt điểm cao.
Cả nước có 140 thí sinh có điểm từ 29 đến cận 30; 720 thí sinh có điểm từ 28 đến cận 29. Tổng có 7.369 thí sinh từ 27 điểm trở lên trong cả nước, đây là điểm 'thịt' chưa tính điểm cộng ưu tiên.
Qua theo dõi những năm trước, những thí sinh có điểm cao, nằm trong nhóm top đầu, việc thay đổi nguyện vọng không nhiều, ít biến động. Như vậy, dự báo tỷ lệ điểm chuẩn năm 2020 của ngành y dược nói chung và Đại học Y Hà Nội nói riêng sẽ tăng cao hơn năm 2019, và rất có thể tiệm cận với điểm cao kỷ lục năm 2017.
Năm 2020, Đại học Y Hà Nội dành 20% chỉ tiêu cho tuyển thẳng - hiện có 37 thí sinh đã nộp giấy tờ liên quan để xác nhận tuyển thẳng - như vậy chỉ tiêu dành cho ngành bác sĩ Y khoa đào tạo tại Hà Nội còn khoảng 360 chỉ tiêu.
Năm nay có khoảng trên 800 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên. Nếu phân chia đều nhóm thí sinh này vào 2 trường Y dược lớn nhất ở Hà Nội (Đại học Y Hà Nội) và TP.HCM (Đại học Y Dược TP.HCM) mỗi trường sẽ có khoảng trên 400 thí sinh. Trong khi đó chỉ tiêu của Đại học Y Hà Nội năm nay còn lại là 360.
Với những thí sinh được 28 điểm, nếu đăng ký nguyện vọng vào Y đa khoa ở cơ sở chính Hà Nội thì nên cân nhắc kỹ lưỡng về tỷ lệ đỗ vào trường. Đại diện Đại học Y Hà Nội khuyên thí sinh có mức điểm này nên đăng ký nguyện vọng ở phân hiệu Thanh Hóa thì khả năng đỗ sẽ cao (100 chỉ tiêu cho phân hiệu Thanh Hoá).
Đối với ngành bác sĩ Răng – Hàm – Mặt, thường điểm chuẩn trúng tuyển ngành này thấp hơn ngành bác sĩ đa khoa khoảng 0,4 -0,5 điểm. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Với các ngành khác của trường, điểm chuẩn thấp nhất là ngành Y tế công cộng. Năm nay, khoảng cách điểm chuẩn của 2 ngành này cũng sẽ thu hẹp lại, mức điểm chuẩn sẽ tiệm cận với năm 2017.
Bình luận