Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 6.930 thí sinh cho 57 mã ngành đào tạo, không khác nhiều so với năm ngoái. Trường đưa ra mức dự kiến điểm chuẩn từng ngành, cao nhất là ngành Khoa học máy tính với 29 điểm.
PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm nay, phổ điểm bài tổ hợp Khoa học tự nhiên có xu hướng dịch chuyển sang phải, cao hơn phổ điểm của năm 2019 từ 3 đến 3,5 điểm.
"Với phổ điểm như trên, tôi dự báo điểm chuẩn các tổ hợp xét tuyển theo khối Tự nhiên vào các trường đại học sẽ tăng. Đặc biệt các nhóm ngành 'hot' có thể tăng từ 2,0 đến 3,0 điểm. Việc điểm tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào tình hình thí sinh đăng ký vào từng ngành và từng trường đại học cụ thể", PGS Linh cho hay.
Trong khi đó, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), thông tin số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường cùng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay tương đương năm ngoái.
Do điểm thi năm 2020 tăng so với 2019, ông dự đoán điểm chuẩn của các ngành tăng lên 0,5-1 điểm. Một số ngành có lượng hồ sơ lớn có thể tăng nhiều hơn.
Đại diện Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm nay, khoa xác định điểm sàn 17 cho các ngành tuyển sinh. Điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái nhưng không chênh lệch nhiều.
Đại diện Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên sẽ theo mức điểm chung do Bộ GD&ĐT xác định. Với các ngành ngôn ngữ, trường dự kiến lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm.
Đại diện Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng vào trường tăng nhẹ so với năm ngoái. Trong đó, điểm sàn dự kiến cho nhóm ngành Công nghệ thông tin (CN1) là 24 điểm. Các ngành như Máy tính, Robot, Kỹ thuật điều khiển, Tự động hóa, Khoa học máy tính (CN8, CN2, CN11) nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ 22 điểm. Ngành Điện tử viễn thông, Cơ điện tử chất lượng cao lấy điểm sàn 20 điểm. Các nhóm ngành còn lại lấy điểm sàn 18.
Theo TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, mức điểm chuẩn trong năm 2020 được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái. Nhìn chung điểm chuẩn vào Học viện Tài chính dự kiến sẽ tăng dao động từ 0,5 - 3 điểm tùy từng ngành.
Cụ thể, với những ngành năm trước có mức điểm chuẩn là 27 thì năm nay sẽ tăng khoảng 0,5 - 1 điểm. Với những ngành lấy từ 20-22 điểm vào năm ngoái, điểm chuẩn năm 2020 sẽ tăng khoảng 2 điểm. Những ngành có điểm chuẩn những năm trước dưới 20 điểm, năm nay có thể tăng mạnh hơn, khoảng trên 3 điểm.
Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển 5.800 chỉ tiêu với 3 phương thức: Tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với hai phương thức xét tuyển kết hợp và tuyển thẳng, trường tuyển 40% chỉ tiêu. 60% chỉ tiêu còn lại trường sẽ xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Nói về điểm chuẩn khi xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, đại diện nhà trường dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-3 điểm so với năm trước. Nguyên nhân là phổ điểm năm nay tăng hơn năm trước.
Đại diện Đại học Tài nguyên và Môi trường dự đoán, năm nay điểm chuẩn các trường theo đó cũng tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm để đảm bảo lựa chọn sinh viên phù hợp.
Với Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), dự báo điểm chuẩn của trường năm nay có một số ngành tăng so với năm ngoái gồm, Trong đó, ngành Công nghệ thông tin tăng từ 2-3 điểm; Hóa học và sinh học tăng từ 1-2,5 điểm; Công nghệ sinh học và công nghệ sinh học tăng ít nhất 2 điểm; Kỹ thuật hạt nhân tăng ít nhất 1 điểm; Kỹ thuật điện tử viễn thông CLC, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Toán học điểm chuẩn tăng ít nhất 0,5-1 điểm. Các ngành Khoa học vật liệu, Địa chất học và hải dương học điểm sẽ tăng rất ít, thậm chí không tăng.
Sau khi công bố điểm sàn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, dự đoán điểm chuẩn của các ngành sẽ nhỉnh hơn từ 0,5-1 điểm so với ngưỡng nhận hồ sơ.
Trong đó, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo lấy điểm sàn 26,5 điểm. Nhóm ngành Ôtô, Công nghệ Thông tin, Logistics, Kinh doanh Quốc tế, Sư phạm Tiếng Anh có điểm nhận hồ sơ là 24,5.
Nhóm ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Điện - điện tử, Cơ điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ Chế tạo máy, Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Kỹ thuật Hoá học, Quản lý công nghiệp, Thương mại điện tử, Quản trị Nhà hàng, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ kỹ thuật Máy tính lấy điểm sàn 23,5.
Các ngành Kỹ thuật Dữ liệu, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Công nghệ May, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật Y sinh, Hệ thống nhúng &IoT, Thiết kế Thời trang, Kiến trúc, Thiết kế Đồ họa, Năng lượng Tái tạo, Công nghệ Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật Công nghiệp, Kế toán nhận hồ sơ xét tuyển từ 22,5 điểm.
Các ngành Công nghệ In, Quản lý Xây dựng, Kỹ nghệ gỗ, Thiết kế Nội thất, Hệ thống Kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Công nghệ Vật liệu có điểm sàn xét tuyển là 21,5.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự đoán điểm chuẩn tất cả các tổ hợp cũng sẽ tăng. Riêng tổ hợp D01 điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều do phổ điểm môn tiếng Anh tăng nhẹ nhất là 0,22. Những ngành "hot" của trường như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quan hệ quốc tế, Báo chí, Tâm lý, Truyền thông... mọi năm điểm đã cao rồi nên cũng chỉ nhích nhẹ 0,5-1 điểm. Các ngành còn lại không biến động nhiều.
Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự kiến điểm chuẩn tất cả các ngành của trường ở phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng so với năm 2019. Cụ thể từ 2-4 điểm cho nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Logistics và Công nghệ thông tin; từ 1-3 điểm cho khối kỹ thuật và chương trình liên kết quốc tế.
Đại học Nông lâm TP.HCM dự kiến phổ điểm chuẩn của trường sẽ rộng (giãn cách cao) vì những ngành "hot" thu hút thí sinh nên điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-3 điểm. Các ngành khó tuyển và một số ngành mới có thể tăng ít hơn hoặc tương đương năm ngoái.
Đại học Tài chính - Marketing vừa công bố điểm sàn xét tuyển cho tất cả các ngành là 18 điểm. Mức điểm này tăng 2,5 điểm so với năm trước. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường tương đương năm 2019, trong khi mặt bằng điểm thi tăng nên dự kiến điểm chuẩn vào trường bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Đại học Mở TP.HCM, năm nay trường dành từ 30-50% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ THPT. Tỉ lệ ảo trong phương thức này khá lớn. Sau khi thí sinh nhập học, căn cứ trên tình hình thực tế trường có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Vì số chỉ tiêu học bạ tăng dẫn đến chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp giảm nên dự kiến điểm sàn, điểm chuẩn các ngành xét điểm thi tốt nghiệp sẽ tăng. Hơn nữa, điểm thi tốt nghiệp năm nay tăng nhiều so với năm trước nên chắc chắn điểm chuẩn sẽ tăng do hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường tương đương các năm trước.
Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) dự báo điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ tăng so với năm ngoái.
Năm 2019, ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường là khoa học máy tính 25,75 điểm. Năm ngành có điểm chuẩn thấp nhất ở mức 18 thuộc chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến và đào tạo ở phân hiệu Đại học Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre.
Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng ở một số ngành "hot" nhưng cũng có nhiều ngành bằng mức điểm trúng tuyển năm 2019. Điểm chuẩn dự kiến các ngành từ 16-20 điểm. Trong đó, các ngành công nghệ thực phẩm và các ngành thuộc khối kinh tế 18-20 điểm, các ngành khác dưới 18 điểm.
Đại học Công nghiệp TP.HCM dự kiến điểm chuẩn của trường khả năng sẽ cao hơn năm trước 1-2 điểm ở một số ngành hút thí sinh như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, du lịch và lữ hành, công nghệ kỹ thuật ôtô... trong khi các ngành còn lại khả năng sẽ không biến động so với mức điểm năm ngoái. Trường dự kiến điểm sàn tương đương năm 2019.
Bình luận