Dấu ấn của nhiều chỉ số tích cực
Báo cáo tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021, đại diện VNPT cho biết năm 2020 tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 162,7 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận VNPT đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, đạt 102,2% kế hoạch. Đơn vị này cũng nộp ngân sách nhà nước khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%. Vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, VNPT đã đảm bảo việc làm và thu nhập bình quân người lao động năm 2020 ổn định so với năm 2019.
Bên cạnh đó, doanh thu của thuê bao data và MyTV của VNPT không ngừng tăng lên. Năm 2020, doanh thu data của VNPT tăng trưởng 18,9%, tỷ trọng doanh thu data trong tổng doanh thu di động tăng từ 28,3% (năm 2019) lên 35,2% (năm 2020). Doanh thu băng rộng của VNPT tăng trưởng 5,5%, số thuê bao tăng 39%.
1 dấu ấn mới của VNPT-Media (thành viên của VNPT), số thuê bao MyTV đã đạt tăng trưởng 34,2%, bằng 2,5 triệu, giúp VNPT đứng số 1 về thị phần truyền hình IPTV, là dịch vụ truyền hình có số lượng kênh nhiều nhất.
Dấu ấn của vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia
Không chỉ chủ động chuyển đổi số trong nội tại hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp, trong năm 2020, VNPT đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột, dẫn dắt cuộc chuyển đổi số Quốc gia thông qua việc chủ động tham gia và trở thành đơn vị nòng cốt dẫn dắt các chương trình xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số cũng như chuyển đổi Xã hội số.
Hiện tại, tập đoàn đã triển khai thành công nhiều nền tảng lớn cho Chính phủ như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia. VNPT cũng dựng và tích hợp thành công nền tảng thanh toán Payment Platform với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Cổng Dịch vụ công của Bộ ngành, địa phương để thực hiện thanh toán cho Dịch vụ công trực tuyến.
Cũng trong năm 2020, đồng hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép “phòng chống dịch” và “phát triển kinh tế”, VNPT đã vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phòng chống Covid-19. Nhiều giải pháp phục vụ việc giãn cách xã hội như: phần mềm đào tạo trực tuyến VNPT E-Learning, phần mềm họp trực tuyến VNPT Meeting đã được VNPT triển khai. Đặc biệt, VNPT đã xây dựng ứng dụng Khai báo y tế tự nguyện (NCOVI) phục vụ người dân khai báo y tế một cách dễ dàng, giúp Chính phủ kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định các hoạt động kinh tế – xã hội.
Nói về vai trò của VNPT với chuyển đổi số cho các địa phương, ông Phạm Đức Long – Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT nhấn mạnh: “Trong giai đoạn 2016-2020, VNPT đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về VT-CNTT với 55/63 tỉnh thành phố, tiếp cận giới thiệu và tư vấn về đề án đô thị thông minh với 28 tỉnh, thành phố”.
Chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025, VNPT đã và đang xúc tiến ký kết các thỏa thuận hợp tác (TTHT) chiến lược mới với tất cả các tỉnh, thành phố, đến nay đã ký kết được với 12/63 UBND tỉnh/TP.
Đối với khối khách hàng Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tư nhân và khối khách hàng Ngân hàng, VNPT tiếp tục khẳng định vị thế bằng việc duy trì thực hiện các TTHT chiến lược về VT-CNTT đã ký kết, hợp tác trên quan điểm kết hợp sử dụng các dịch vụ là thế mạnh của mỗi bên để tạo ra sản phẩm mới phục vụ cho khách hàng.
Bằng việc thực hiện chuyển đổi số khách hàng, hình thành thói quen và tương tác số trong việc tiếp cận, mua bán và sử dụng sản phẩm dịch vụ của VNPT thông qua thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt VNPT Pay và các trải nghiệm trực tuyến chất lượng cao qua hệ thống bán hàng tập trung, VNPT đã đóng góp hình thành và phát triển xã hội số.
Dấu ấn về một thương hiệu ngày một giá trị
Trong năm 2020, VNPT đã giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT. Theo công bố của Brand Finance tháng 12/2020, thương hiệu VNPT giữ vị trí top 2 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Brand Finance nhận định thương hiệu của VNPT tăng trưởng ấn tượng nhất trong số 150 nhà mạng lớn trên toàn cầu.
Cũng trong năm phải vượt khó vì dịch bệnh, thiên tai kéo dài cùng diễn biến phức tạp, VNPT là đơn vị đạt được nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế uy tín, khẳng định vị trí tiên phong trong chuyển đổi số và giá trị thương hiệu. VNPT nhận tới 15 giải thưởng lớn tại Stevie Awards Châu Á – Thái Bình Dương 2020 và 5 giải thưởng Stevie Awards Kinh doanh quốc tế. Lần đầu tiên tham gia giải thưởng Công nghệ thông tin thế giới nhưng VNPT đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đạt nhiều giải thưởng nhất với 6 giải vàng, 3 giải bạc và 1 giải đồng. VNPT còn được đánh giá cả về sáng tạo, tư duy đổi mới với giải thưởng “Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á” tại Asia Communication Awards.
Bên cạnh những giải thưởng quốc tế, VNPT cũng đạt được các giải thưởng hàng đầu trong nước như: Top 5 Doanh nghiệp CNTT-VT uy tín năm 2020; Top 3 doanh nghiệp đạt nhiều giải thưởng Sao Khuê 2020 nhất với 7 giải thưởng; Là đơn vị có chất lượng dịch vụ băng thông rộng cố định tốt nhất Việt Nam; Là doanh nghiệp xuất sắc nhất với 12 sản phẩm/giải pháp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam…
Tiếp đà “vượt khó”, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, ông Huỳnh Quang Liêm, PTGĐ VNPT cho biết, đơn vị này cũng đặt mục tiêu năm 2021 sẽ có tổng doanh thu tăng từ 5-8% so với 2020; đạt lợi nhuận tăng trưởng từ 4,5-6%; hoàn thành nộp NSNN theo chỉ tiêu được CQQL NN giao; trong đó, có đảm bảo tăng tối thiểu 3% thu nhập cho người lao động; “Với tinh thần cố gắng nỗ lực cao nhằm góp phần vào tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, khẳng định vai trò chủ lực dẫn dắt trong chuyển đổi số tại Việt Nam, và thực hiện mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghệ số theo Chiến lược VNPT4.0”. - ông Liêm nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà đánh giá cao VNPT khi đến thời điểm hiện tại là đơn vị duy nhất không có điều chỉnh kế hoạch nhưng vẫn cơ bản đạt được tất cả những chỉ tiêu đề ra và đề nghị VNPT sẽ có nhiều đổi mới, sáng tạo hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại VN và trên Thế giới.
Trước mắt, bà Hà tin rằng “Tập đoàn VNPT cũng sẽ là đơn vị đi đầu trong thực hiện các việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp của tập đoàn và thứ hai là sẽ tiếp tục mở ra cho các doanh nghiệp trong Ủy ban, làm sao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của tập đoàn, đóng góp vào trong tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian sắp tới”.
Với những cơ sở khả quan của 2020, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ TT&TT kì vọng với sự đồng lòng, khát khao tiến về phía trước của không chỉ tập thể CBCNV, mà cả đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn, VNPT sẽ phát triển đúng tầm nhìn, trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á.
Bình luận