Vào những ngày nóng nực, chui vào quán coffee, quán trà đạo với điều hòa mát lạnh cùng điệu nhạc du dương quả là tuyệt vời với nhiều người.
Giờ nghỉ trưa, chị Nhàn (Sơn Tây, Hà Nội) có hẹn với bạn nên kéo nhau đến 1 quán cà phê khá nổi trên đường Hoàng Cầu, Hà Nội. Bạn chị gọi coffee nâu, còn chị kêu một quả thạch dừa.
Vừa xúc một thìa cho vào miệng, chị Nhàn giật mình vì vị lạ, chua chua. Quan sát kỹ, chị thấy thạch dừa nhớt nhớt.
Chị đề nghị đổi quả khác, phục vụ quán xin lỗi và lý giải: Vì mùa hè nên thạch dừa cũng rất dễ hỏng dù họ đã bảo quản lạnh.
Chị Nhàn chia sẻ: "Tôi có thói quen uống thạch dừa và nước dừa vào ngày hè. Tôi có thể vào quán để uống hoặc ra ven Hồ Tây, đường Quảng An ngồi hóng gió.
Trước đây, không biết, họ thường đưa ra cho tôi quả dừa đã lột vỏ xanh bên ngoài và được bảo quản lạnh.
Nhưng tôi nghe nói, những quả dừa sau khi lột hết lớp vỏ bên ngoài thường bị thâm đen lại do nhựa vỏ dừa hay tác động từ môi trường, khiến dừa không được bắt mắt. Người bán hàng đã 'phù phép' những trái dừa này thành màu trắng tinh hấp dẫn khi ngâm dừa vào hóa chất tẩy trắng.
Tôi lo lắng, nếu chất độc hại bị hấp thu vào cơ thể có thể bị buồn nôn, đau bụng. Khi tích tụ lâu ngày với liều lượng lớn, những hóa chất này sẽ dẫn đến một số bệnh về hô hấp, da, thậm chí có thể gây ra tình trạng đột biến các tế bào, có nguy cơ bị ung thư cao.
Hiện nay, khi uống nước dừa, tôi yêu cầu người bán bổ quả dừa tươi còn nguyên vỏ, hy vọng như thế là an toàn"..
Theo tìm hiểu, những chất tẩy trắng này thường dùng để tẩy trắng dừa không có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, được hòa với nước, rồi cho dừa vào ngâm, chỉ một lúc sau đã dừa đã trở nên trắng phau, không hề có vết thâm nào.
Các loại hóa chất này thường chủ yếu dùng cho công nghiệp như Sulfur Dioxide, Hydrogen Peroxide, Psychotrine… hoàn toàn không được phép sử dụng bừa bãi trong chế biến thực phẩm.
Không chỉ vào quán, buổi tối, ra ngoài vỉa hè ngồi uống trà đá, nhân trần, trà chanh cũng là thói quen của nhiều bạn trẻ.“Uống trà đá, trà chanh vừa rẻ, vừa tiện lợi, bọn em hay ngồi chém gió lắm, nhất là buổi tối, vì chưa có gia đình nên thời gian nhiều. Nếu vào quán thì tốn kém, mỗi cốc nước trong quán ít là 25 ngàn, nhiều có thể lên tới 80 ngàn đồng. Tuy nhiên, em cũng băn khoăn, uống những đồ uống này thì có đảm bảo an toàn không?”, Nguyễn Bảo Hoàng, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội chia sẻ.
Theo quan sát của phóng viên, trên phố Hoàng Hoa Thám, ngay sát cổng viện BV Lao và Phổi TƯ, có khá nhiều quán trà đá.
Trà ở đây không rõ nguồn gốc, nước không biết được đun sôi hay không, chỉ biết đựng trong những can, bình to. Trà đặc được pha ra một bình, sau đó, khách đến uống, chủ quán sẽ lấy trà đặc pha với nước cho loãng rồi cho đá vào. Mỗi quán chỉ có một cái xô để tráng cốc. Ai dám đảm bảo, những con vi khuẩn sẽ không chu du từ người bệnh sang người lành với tình hình vệ sinh thế này?
Về vấn đề an toàn đồ uống đường phố, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trên địa bàn theo quy định phân công của Luật an toàn thực phẩm, kiên quyết không để tình trạng các cơ sở vi phạm trong thời gian dài, khi bị nhắc nhở mới tiến hành kiểm tra, đình chỉ hoạt động.
Đồ uống hay thức ăn đường phố tại Việt Nam khá phổ biến và vẫn là một thách thức với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát đồ uống cũng như thức ăn đường phố nói chung.
Trước đó, tháng 6/2013, Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn (Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam) tiến hành lấy 9 mẫu nước và nguyên liệu tiền chế. Đây là những mẫu độc lập, ngẫu nhiên tại một số phố trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: nước trà chanh (Phố Nhà Thờ), trà bát bảo (Cát Linh), nước mía (Đê La Thành), nước trà xanh (Đê La Thành), nước ngô (Cát Linh), nước trà đá (Cát Linh), nước nhân trần (Đê La Thành), nước vối (Hoàng Cầu) và nhân trần khô (Lãn Ông).
Xét nghiệm các mẫu nước và nguyên liệu trên đã cho kết quả rất đáng lo ngại. Cụ thể, có tới 9/9 mẫu bị nhiễm khuẩn B.Cereus, 8/9 mẫu nhiễm khuẩn E.Coli, 4/9 mẫu có hàm lượng vi khuẩn hiếu khí vượt giới hạn, 5/9 mẫu nhiễm nấm men và nấm mốc. Đặc biệt, có 4/9 mẫu phát hiện có hàm lượng kim loại nặng là chì, thủy ngân và cadimin gồm: nước nhân trần (Đê La Thành), nhân trần khô (Lãn Ông), nước trà xanh (Đê La Thành) và nước trà đá (Cát Linh).
Theo PGS, TS Hồ Bá Do - Viện phó Viện thực phẩm chức năng Việt Nam, việc những mẫu nước uống giải khát đường phố bị nhiễm nhiều vi khuẩn độc hại và kim loại nặng là một cảnh báo đáng quan tâm tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Chẳng hạn, nhiễm độc chì, thủy ngân có thể ảnh hưởng ức chế enzyme tổng hợp máu, làm phá vỡ hồng cầu, gây độc cho tế bào là nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Hay Cadimi có thể gây ngộ độc mãn tính, rối loạn chức năng gan, thậm chí lâu dài có nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến. Cũng theo ông, các nước uống đường bị nhiễm vi khuẩn E. Coli, B. Cereus, hay nấm mốc cũng rất dễ gây ra ngộ độc cấp tính, hoặc làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
» Những đồ uống xua tan giá lạnh mùa đông, tốt cho sức khỏe
» Top thực phẩm 'cấm' ăn nếu để qua đêm
» Uống cái này, quý ông không lo rượu, bia hại gan
» 5 loại nước uống làm bạn phát phì
» 15 yếu tố khiến chuyện giường chiếu nguội lạnh
Nam Anh
Bình luận