• Zalo

Đề xuất mở lại đường bay quốc tế: Chuyên gia nói gì?

Đầu TưThứ Sáu, 21/08/2020 19:37:41 +07:00Google News

Một số chuyên gia đồng thuận mở đường bay quốc tế với tần suất hạn chế để thí điểm, số khác cho rằng không nên vì nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tuần trước kiến nghị Chính phủ mở đường bay quốc tế thường lệ đến một số nước đã kiểm soát được dịch COVID-19, đồng thời đề nghị nghiên cứu quy trình phòng ngừa dịch bệnh trong vận tải hàng không để cho phép du khách nhập cảnh nếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Đề xuất mở lại đường bay quốc tế: Chuyên gia nói gì? - 1

Máy bay đến Tân Sơn Nhất đang giảm tần suất một nửa so với tháng 7 do ảnh hưởng dịch. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Giải thích đề xuất này, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không,  cho biết ngành này là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế, tiến bộ và hội nhập quốc tế. Hiện một số địa phương ở vài quốc gia có nhu cầu đi lại lớn với Việt Nam đã kiểm soát dịch khá tốt như Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản); Seoul (Hàn Quốc).

Ông Nề cho rằng, việc từng bước mở cửa hàng không sẽ giúp các hãng duy trì hoạt động, giảm bớt căng thẳng về dòng tiền đang khan hiếm, bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động, từ đó có cơ hội hồi phục, đóng góp vào ngân sách và nền kinh tế nhiều hơn.

"Cần từng bước mở cửa hàng không quốc tế nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch với phát triển kinh tế, xã hội. An toàn của khách và phi hành đoàn cần được ưu tiên hàng đầu", ông Nề nói.

Theo chuyên gia này, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) mới ban hành Hướng dẫn đi lại hàng không trong bối cảnh dịch bệnh. Văn bản này hướng dẫn trong từng khâu như nhà ga, lên xuống tàu bay, vệ sinh tàu bay, chất lượng không khí trên tàu bay, hoạt động trên chuyến bay.

Do đó, Việt Nam cần khẩn trương ban hành quy định, quy trình đối với các chuyến bay thương mại quốc tế, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng hãng, trong đó có y tế, hải quan, hãng hàng không, du lịch; đồng thời xây dựng các kịch bản khác nhau về diễn biến dịch, đối tượng khách ưu tiên để thực hiện.

Với góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế không những trợ giúp cho ngành hàng không mà còn cần thiết cho ngành du lịch, nhà hàng vốn đã khó khăn vì COVID -19. Điều này cũng đáp ứng nhu cầu của các chuyên gia, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam.

Theo ông, việc kiểm soát dịch bệnh cần phải đi kèm với từng bước khôi phục hoạt động kinh tế. Do đó, cần căn cứ vào tình hình thực tế tại các nước để từng bước mở đường bay quốc tế, không nên đóng kín vì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

"Chính phủ nên đưa ra các biện pháp để từng bước khôi phục lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, trước khi mở lại, cần xây dựng phương án phòng dịch, kiểm soát để dịch không xâm nhập Việt Nam", ông Doanh nói.

Ông cũng đề xuất, thời gian đầu có thể mở 1-2 đường bay quốc tế với tần suất vài ba chuyến mỗi tuần để thí điểm, đúc kết kinh nghiệm. Khách nhập cảnh có thể cách ly tập trung, thu phí cách ly. Mỗi tỉnh nên bố trí một số khách sạn 3-4 sao cho các chuyên gia, khách nước ngoài cách ly theo nhu cầu của họ.

TS Doanh cho rằng, nhiều chuyên gia đi hội thảo, hội nghị không có thời gian cách ly, cần yêu cầu họ cung cấp giấy chứng nhận không nhiễm nCoV và xét nghiệm khi xuống sân bay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần từng bước mở đường bay đến một số nước đã kiểm soát được dịch rồi sau đó nhân rộng. Hành khách nhập cảnh cần có chứng chỉ kiểm dịch (quy định cụ thể số ngày) và được xét nghiệm y tế. Nếu năng lực của các cơ sở cách ly đủ đáp ứng, có thể yêu cầu khách cách ly tập trung.

"Chúng ta không thể đóng cửa mãi được", ông Dũng nói và cho rằng, việc kiểm dịch cần áp dụng trong bối cảnh bình thường mới để nền kinh tế vận hành, các doanh nghiệp dần phục hồi.

Về phía các hãng hàng không, đại diện Vietjet Air cho biết, những kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không liên quan đến vướng mắc mà các hãng đang gặp phải, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành. Vì ngành Hàng không đang chịu ảnh hưởng nặng nhất do COVID-19. Đã đến lúc Chính phủ cho phép mở lại đường bay thường lệ giữa Việt Nam với những nước đã kiểm soát tốt dịch, mở cửa đi cùng với việc quản lý các rủi ro liên quan dịch bệnh. Việt Nam đã ở giai đoạn hội nhập quốc tế nên hàng không càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay chưa nên mở đường bay quốc tế thường lệ vì nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh. Thời gian qua, do nới lỏng phòng dịch và không kiểm soát tốt khách nhập cảnh nên dịch đã bùng phát lại ở Đà Nẵng. Trong khi đó, chủng virus mới lây lan nhanh, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phát dịch trở lại nên không thể an toàn với Việt Nam nếu mở cửa hàng không lúc này.

"Đề xuất mở đường bay quốc tế của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không là cảm tính, họ chưa nhìn thấy được hậu quả khôn lường", ông Long nói.

Theo ông, kiểm soát tốt dịch bệnh thì kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng, hành khách yên tâm đi lại. Với các nước khác cũng vậy, khi không còn ca nhiễm thì mới nên tính toán mở đường bay quốc tế trở lại. Trước mắt, nhà chức trách chỉ nên cấp phép cho các chuyến bay đưa chuyên gia, thương gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc và phải cách ly.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn