Trả lời VTC News về đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 của anh Nguyễn Sóng Hiền (hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle, Australia), TS Phạm Hữu Cường cho rằng, tác phẩm “Chí Phèo” hoàn toàn phù hợp để dạy học sinh thời hiện đại. TS Cường khẳng định tuyệt đối không được loại bỏ tác phẩm này ra khỏi SGK.
TS Cường đã có những phân tích rõ ràng về đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK.
Tình yêu chân thành cứu vớt sức mạnh con người
Ngòi bút nhân ái của Nam Cao không dìm mãi người đọc trong nỗi thống khổ cùng cực của người nông dân mà luôn thiết tha hướng về phía ánh sáng, phía sự sống để trân trọng nâng niu từng vẻ đẹp tâm hồn, nhân phẩm, đồng thời khẳng định niềm khát khao mãnh liệt được trở lại làm người lương thiện của Chí Phèo.
Nhà văn cũng phát hiện ra cái đốm sáng lương tri le lói trong tâm hồn "con quỷ dữ làng Vũ Đại". Tác giả khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân, bản tính lương thiện, lòng tự trọng, ý thức về nhân phẩm – ngay cả khi tưởng chừng họ đã bị vùi dập tới mất cả nhân hình, nhân tính. Đó là cái nhìn ấm áp tin yêu trân trọng con người của Nam Cao.
Tình cảm của Thị Nở đối với Chí dưới ngòi bút Nam Cao không đơn thuần chỉ là tình yêu nam nữ, là sự hấp dẫn giới tính mà còn là hiện thân cho tình thương yêu của con người với con người.
Trong quan niệm của Nam Cao, chỉ có tình yêu thương giữa con người với con người mới đủ sức kéo Chí Phèo trở lại với cuộc đời lương thiện, kéo những cuộc đời lầm lỗi trở lại hoàn lương.
Lời đề nghị tha thiết xuất phát từ trái tim nhân đạo của tác giả “không được định kiến với con người, hãy yêu thương gần gũi với con người”.
Một trong những cảm hứng nhân văn của Nam Cao là ở quan niệm tình yêu thương chân thành có sức mạnh cứu vớt linh hồn con người. Chỉ có tình yêu thương chân thành của Thị Nở mới đánh thức phần người còn sót lại trong Chí Phèo.
Chỉ với riêng điều này, tác phẩm đã xứng đáng có mặt trong chương trình phổ thông chứ chưa cần bàn rất nhiều những thành công khác về tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm.
Không bỏ bất cứ phần nào trong tác phẩm
Không cần bỏ bất cứ phần nào trong tác phẩm. Có điều, do dung lượng SGK có hạn nên đành phải trích một số đoạn tiêu biểu.
Chi tiết duy nhất trong “Chí Phèo” mà tôi không đồng tình là khi tả cảnh Thị Nở trút vào mặt Chí tất cả lời bà cô. Nam Cao viết: “Thị chống hai tay vào háng”. Chống tay vào háng thì chống…kiểu Úc à?
Anh Hiền có đưa ra ý kiến: “Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo”.
Ở nhân vật Chí Phèo có cả phần tốt lẫn phần xấu, có cả phần con lẫn phần người, “vừa thấp hèn lại vừa cao cả” (Thạch Lam), “có cả rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” (Nguyễn Minh Châu).
Đó mới là quan niệm sâu sắc, chính xác, toàn diện, đúng đắn về con người và cách khắc họa con người một cách chân thực của Nam Cao.
Tác giả đã khắc họa nhân vật Chí Phèo vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân của làng Vũ Đại, lại vừa là một tâm hồn khát khao lương thiện nên nhân vật này vừa đáng thương, vừa đáng giận, lại vừa đáng trân trọng.
Bộ GD-ĐT nên chấn chỉnh cách dạy, học văn
Việc anh Nguyễn Sóng Hiền khẳng định "Thị Nở ở với Chí Phèo đến ngày thứ 7 mới nhớ ra về hỏi dì..." đã chứng tỏ anh Hiền chưa hề đọc tác phẩm hoặc đọc văn theo kiểu “cưỡi tên lửa xem hoa”.
TS Nguyễn Hữu Cường
Việc anh Nguyễn Sóng Hiền khẳng định "Thị Nở ở với Chí Phèo đến ngày thứ 7 mới nhớ ra về hỏi dì..." đã chứng tỏ anh Hiền chưa hề đọc tác phẩm hoặc đọc văn theo kiểu “cưỡi tên lửa xem hoa”.
Cách đọc văn của anh Hiền cũng hết sức phiến diện, không khác gì việc đánh giá nhan sắc và tâm hồn, trí tuệ của một cô hoa hậu mà lại chỉ nhìn vào mỗi bộ bikini của cô ấy.
Nghiên cứu sinh Sóng Hiền viết: “Chí đã cưỡng bức Thị Nở, hành động của Chí là phạm pháp”.
Anh Sóng Hiền đã đọc – hiểu tác phẩm văn chương một cách suy diễn chủ quan tùy tiện, theo khuynh hướng xã hội học dung tục – điều mà mấy chục năm trước, các chuyên gia văn học đầu ngành đã phải đấu tranh để loại bỏ.
Cách hiểu xã hội học dung tục này đã từng dẫn đến chuyện kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du bị coi là “dâm thư’, Thúy Kiều bị gọi là “con đĩ Kiều”; câu thơ “Đường vinh quang xây xác quân thù” trong “Tiến quân ca” bị coi là “dã man, hiếu chiến”, lời nhắn gửi anh pháo binh “Anh rót cho khéo nhé/ Kẻo lầm vào nhà tôi” của Yên Thao bị quy kết là “nghi ngờ tài năng của pháo binh quân đội nhân dân Việt Nam”…để rồi mang đến biết bao bi kịch đau đớn cho các văn nghệ sĩ khát khao tìm tòi sáng tạo.
Đó là điều thực sự đáng lo ngại.
Video: Đề xuất loại bỏ "Chí Phèo" ra khỏi SGK lớp 11 là "Cách nhìn non nớt và dung tục"
Hội đồng biên soạn SGK không nên mất thời gian và công sức để quan tâm đến ý tưởng này.
Cứ theo quan điểm và cách đọc văn của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền, có thể trong tương lai nhiều tác phẩm sẽ phải đưa ra khỏi SGK như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ (vì nói xấu người hàng thịt), “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu (vì tả cảnh vợ đánh chồng, con đánh bố…)…
Khi đọc bài viết của anh Nguyễn Sóng Hiền, GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) đã thốt lên: “Không hiểu sao bây giờ lắm kẻ muốn đốt đền quá”; còn PGS Đỗ Ngọc Thống (Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới) khẳng định: “Bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm Chí Phèo như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp”.
Bộ GD-ĐT luôn trân trọng suy nghĩ và ý kiến cá nhân. Đề xuất của anh Hiền có thể được quan tâm nhưng không phải để thực hiện, mà là để Bộ GD-ĐT chấn chính cách dạy văn – học văn theo khuynh hướng xã hội học dung tục như nghiên cứu sinh Nguyễn Song Hiền đang đại diện.
Bình luận