Thời gian qua, đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 của anh Nguyễn Sóng Hiền (nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle, Australia) gây nhiều tranh cãi.
Trả lời VTC News, PGS.TS Trần Thị Việt Trung (Đại học Thái Nguyên) không đồng tình với đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền và cho rằng, cách giải mã hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm ‘Chí Phèo’ của Nguyễn Sóng Hiền là không ổn, ‘có vấn đề’ về phương pháp luận.
PGS.TS Việt Trung khẳng định, tác phẩm Chí Phèo mang ý nghĩa hiện thực, giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật đặc sắc, là một trong những tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất, là niềm tự hào của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Tuy được viết từ những năm trước 1945, nhưng đến nay, tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.
Ý kiến đề xuất của Sóng Hiền là không chính xác, không thể đủ tầm để tác động đến quan điểm của Hội đồng biên soạn sách giáo khoa mới hiện nay
PGS Trần Thị Việt Trung
Bà Trung băn khoăn: "Một tiến sĩ tương lai như Sóng Hiền sao lại có thể phân tích, lý giải về giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn chương nghệ thuật như vậy.
Có nhiều cách tiếp cận tác phẩm, có nhiều loại lý thuyết, lý luận khác nhau trong nghiên cứu, phê bình văn học nhưng tôi thấy, với lối tiếp cận và cách giải mã hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm "Chí Phèo" của anh Nguyễn Sóng Hiền là không ổn, ‘có vấn đề’ về phương pháp luận”.
Bà Việt Trung cho biết thêm, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền đã sai lầm khi sử dụng phương pháp nghiên cứu xã hội học dung tục, phương pháp nghiên cứu khoa học máy móc khi nhìn nhận, đánh giá, lý giải về hành động, về tính cách và bản chất của nhân vật Chí Phèo và mối tình Chí Phèo – Thị Nở
“Không nên quá quan tâm đến những đề xuất như của Sóng Hiền. Đây chỉ là một ý kiến đề xuất của một cá nhân, một người đang nghiên cứu (là nghiên cứu sinh)", PGS Việt Trung bày tỏ.
Vị chuyên gia này cho rằng những người trẻ tuổi vẫn có thể đề xuất những ý kiến riêng của mình về một vấn đề quan trọng nào đó của ngành, thậm chí của đất nước. Những ý kiến của họ nếu đúng đắn, sâu sắc, hợp lý thì tiếp thu; còn nếu không đúng, không phù hợp thì để tham khảo, để nắm bắt được các luồng suy nghĩ, những tư tưởng khác nhau trong xã hội về một vấn đề nào đó đang được quan tâm.
"Chúng ta không nên có thái độ phản ứng thái quá khiến vấn đề trở nên quan trọng và có những tác động ngược (có tính tiêu cực). Xét cho cùng, ý kiến đề xuất của Sóng Hiền là không chính xác, không thể đủ tầm để tác động đến quan điểm của Hội đồng biên soạn sách giáo khoa mới hiện nay", PGS.TS Trần Thị Việt Trung nói.
Video: Đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK: 'Cách nhìn non nớt và dung tục'
Bình luận