Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 39, sáng 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Trình bày báo cáo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, các nội dung lớn của dự thảo Luật đạt được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia tiếp thu, chỉnh lý.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 3 điều. Trong đó, Điều 1 bổ sung 2 điều mới quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành; bãi bỏ khoản 2 Điều 32 của Luật số 30 về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Điều 2 về hiệu lực thi hành; Điều 3 về quy định chuyển tiếp.
Đối với quy định về phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: "Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các hình thức khám bệnh, chữa bệnh mới được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: Khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà".
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh theo cấp chuyên môn kỹ thuật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, dự thảo đang được thiết kế theo hướng quy định quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ bảo hiểm y tế cho cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và giao Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
"Dự thảo quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Một nội dung khác dự thảo Luật đề cập là quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ "địa giới hành chính" trong khám, chữa bệnh, giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của luật hiện hành.
Dự thảo Luật cũng mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Kết luận nội dung thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, quan điểm đặt ra, từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về bảo hiểm y tế, đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lưỡng, nhất là về thủ tục hành chính để bảo đảm linh hoạt trong quản lý, điều hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó nội dung liên quan đến thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh lưu ý chính sách "thông cấp" khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, việc đặt ký khám chữa bệnh ban đầu của người có thẻ là nội dung mới, phức tạp, có tính đột phá.
"Đề nghị các cơ quan đánh giá, dự liệu những vấn đề phát sinh trên thực tiễn để quy định trong luật những vấn đề mang tính nguyên tắc, tạo cơ chế linh hoạt, khả thi để vận hành chính sách mới", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào chiều 27/11.
Bình luận