Tiếp tục Kỳ họp 8, chiều nay (31/10) Quốc hội tiếp tục thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế.
Theo dự luật, các trường hợp tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán khi đến bệnh viện không phải nơi đăng ký ban đầu hoặc không phải làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên.
Cụ thể, người bệnh cấp cứu tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nội và ngoại trú theo tỷ lệ được hưởng. Người bệnh được tự đến bệnh viện thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh nguy hiểm, hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo "thận trọng" với chính sách này trong bối cảnh bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm ngày càng tăng. Về bản chất, chính sách này là một hình thức thông tuyến đang áp dụng nhưng mở rộng hơn lên đến tuyến Trung ương đối với cả ngoại trú và nội trú cho một số bệnh.
Theo quy định Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023, có ba cấp chuyên môn và mỗi cấp thực hiện nhiệm vụ, chức năng khác nhau. Mô hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay đóng vai trò quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống y tế.
Ở các nước phát triển, người bệnh sẽ đến khám ở cơ sở ban đầu hoặc bác sĩ gia đình để đánh giá sơ bộ, nếu vượt quá khả năng chữa trị thì bệnh nhân sẽ được chuyển đến tuyến trên. "Chỉ trường hợp cấp cứu thì có thể đến cơ sở y tế gần nhất mà không phân biệt tuyến", đại biểu Khánh Thu nói.
Nữ đại biểu băn khoăn, nếu quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến xu hướng người bệnh chỉ chọn lên tuyến trên, tình trạng quá tải vì vậy càng trầm trọng. Thời gian chờ đợi cũng sẽ tăng lên kèm theo vô số chi phí phát sinh khác.
Cùng đó, cơ sở y tế sẽ không thể dự báo được nhu cầu khám, chữa bệnh, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và sụt giảm điều kiện, chất lượng phục vụ. Chi phí từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng tăng đột biến và các cơ sở này lại vào vòng xoáy giải trình vượt dự toán.
Thừa nhận thực tế nhiều người bệnh đi khám bảo hiểm y tế gặp khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển viện, nhưng đại biểu Thu cho rằng, hiện chưa thích hợp để bỏ quy trình này vì ngoài cung cấp các thông tin hành chính, giấy còn thể hiện tình trạng lịch sử bệnh tật, điều trị, giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh.
"Tôi đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay, tăng mức hưởng điều trị nội trú ở các tuyến chuyên sâu và không mở phạm vi điều trị ngoại trú", nữ đại biểu nói.
Bà Thu cũng đề xuất Bộ trưởng Y tế sớm ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến một lần dùng trọn quá trình điều trị.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cũng cho rằng dự luật cần xây dựng một "rào cản" về mức hưởng bảo hiểm y tế để hạn chế tình trạng người bệnh đi khám vượt cấp. Bà Dung đề xuất tăng quyền lợi của người hưởng ở cấp ban đầu và mức đồng chi trả ở cấp chuyên sâu khi người hưởng vượt tuyến; khuyến khích bác sĩ chuyên môn tốt về làm việc ở trạm y tế xã bằng lương, thưởng, nhà ở.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cũng đề nghị tăng cường vai trò của Bộ Y tế trong quản lý giám định bảo hiểm y tế. Hiện, theo khoản 6 điều 2 Luật Bảo hiểm y tế, giám định bảo hiểm y tế là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ bảo hiểm do tổ chức tiến hành.
Tuy nhiên, đại biểu Bình cho rằng đang thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định, dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện. Điều này khiến tình trạng trễ hạn thanh toán chi phí xảy ra khá phổ biến trong thực tế.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2023 có 30% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định y tế.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung quy định trong luật bảo hiểm y tế yêu cầu Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với ngành Y tế. Quy định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch, nhất quán, mà còn tránh gây chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cho cơ sở y tế và người bệnh.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần nhìn thẳng vào nguyên nhân tại sao có nhiều vướng mắc trong thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ông cho rằng, nguyên nhân do chưa có văn bản quy phạm pháp luật về giám định bảo hiểm y tế trong luật cũ.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp.
Bình luận