• Zalo

Lý do Bộ Y tế đề xuất bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc ung thư cổ tử cung

Tin tứcThứ Ba, 16/04/2024 20:47:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ung thư cổ tử cung thuộc nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn, việc đưa sàng lọc bệnh vào chi trả bảo hiểm y tế sẽ giúp phát hiện, điều trị sớm.

Thông tin trên được các chuyên gia nêu tại hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, ngày 16/4.

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, việc mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả bảo hiểm y tế dựa trên tiêu chí đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, đạt hiệu quả khi can thiệp sớm. Từ đó, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn.

Dựa vào những tiêu chí đặt ra, Bộ Y tế đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh gồm: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B.

Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán ung thư cổ tử cung và ung thư vú, bởi đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn. Trong khi đó, tỷ lệ sàng lọc sớm của bệnh còn thấp. Chi trả bảo hiểm y tế đối với sàng lọc hai bệnh lý này sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị sớm.

Theo bà Trang, chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2,6 - 3 nghìn tỷ đồng/năm; với ung thư vú là 2,5 - 5,3 nghìn tỷ đồng/năm. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh này.

ThS Trần Thị Trang - Vụ Trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế.

ThS Trần Thị Trang - Vụ Trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, Phó chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam, bệnh lý ung thư cổ tử cung phát triển qua giai đoạn tiền ung thư, là vấn đề y tế công cộng toàn cầu và quốc gia.

Căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số, có thể loại trừ khỏi cộng đồng khi đạt được mục tiêu với 3 mức dự phòng của WHO gồm tiêm vaccine HPV, sàng lọc và chẩn đoán ở giai đoạn sớm để điều trị.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ Việt Nam còn thấp.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung thấp là do vaccine HPV có chi phí cao, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

Các chuyên gia cũng đánh giá, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc của công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân nhằm đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị ung thư cổ tử cung.

4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi:

- Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

- Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.

- Điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Phân bổ sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả. Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế. Phần còn lại 1% bổ sung vào Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn