Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Dự thảo Nghị quyết quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Theo Bộ trưởng Dũng, đề xuất trên nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Đề xuất dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện NSNN trong bối cảnh hiện nay. Ông Dũng ước tính đề xuất trên sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng.
Trong buổi thảo luận tổ sau đó, nhiều đại biểu Quốc hội có đóng góp ý kiến về đề xuất này.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo ngại việc đưa ra hai tiêu chí là doanh thu dưới 50 tỷ đồng và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 100 người sẽ đặt ra nguy cơ trục lợi chính sách.
"Lẽ ra, doanh nghiệp sẽ cố gắng để thu cao hơn nhưng họ lại dừng lại ở mức đó hoặc kê khai gian dối để hưởng giảm 30% thuế thu nhập. Thứ 2, họ có thể đóng bảo hiểm cho trên 100 người nhưng lại cố tình đóng cho dưới 100 người", ông Hiểu nêu vấn đề.
Vị Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng băn khoăn về tiêu chí có doanh thu dưới 50 tỷ đồng với các doanh nghiệp. Theo ông, không phải doanh nghiệp nào có doanh thu dưới 50 tỷ đều khó khăn trong khi mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng nêu băn khoăn về 2 tiêu chí để doanh nghiệp được hưởng giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp.
"Hiện nay, có tới 1/3 số doanh nghiệp dừng hoạt động vì COVID-19 và rất nhiều doanh nghiệp không có doanh thu. Trong khi áp dụng quy định này, chỉ doanh nghiệp có doanh thu trên dưới 50 tỷ mới được hỗ trợ", bà nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo bà Mai, nội dung trong tờ trình cũng chưa có sự phân biệt về lĩnh vực. Trong bối cảnh dịch COVD-19 thì vẫn có một số lĩnh vực tăng trưởng ổn định như tài chính-ngân hàng. Do đó cần có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp, đối tượng bị sụt giảm doanh thu với các lĩnh vực mà doanh nghiệp vẫn tăng trưởng.
Vị nữ đại biểu đoàn Hà Nội từ đó kiến nghị với chính sách thuế trong bối cảnh ngân sách có hạn như hiện nay, nên hỗ trợ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng quy định của luật ngân sách nhà nước.
Bình luận