Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Theo đó, có 2 phương án được đưa ra. Phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành và phương án 2 là cho khách hàng lựa chọn một trong hai cách tính: 5 bậc thang hoặc một giá điện.
Với phương án 1, khoảng cách giữa các bậc tiêu thụ điện từ 701 kWh trở lên được nới rộng nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện, hạn chế việc tiền điện tăng cao trong những tháng cao điểm mùa hè. Phương án 2 gồm giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc và một giá, giữ nguyên giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá luỹ tiến 5 bậc và chỉ thay đổi ở bậc cuối cùng nhằm "không tác động tới khách hàng thu nhập thấp, trung bình".
Bên cạnh cách tính bậc thang, bộ Công Thương cũng đưa ra phương án áp dụng điện một giá. Trong đó, một giá được đề xuất ở mức 145% và 155% so với giá bình quân.
"Quá nhiều phương án rắc rối khiến chúng tôi thực sự loạn. Không phải ai cũng có thể tính toán tường tận trước khi lựa chọn phương án nào? Hơn nữa, lý thuyết là một chuyện, còn thực tế sử dụng phát sinh lại là một chuyện khác. Theo tôi, Bộ Công Thương không nên làm khó người tiêu dùng như vậy. Bộ nên tính toán kỹ lưỡng, để đưa ra phương án tối ưu, thay vì đẩy việc quyết định lên cho khách hàng. Chỉ lấy ví dụ, khách hàng họ lựa chọn sai và phải chịu hóa đơn điện lớn thì trách nhiệm có phải chỉ thuộc về mỗi khách hàng không? Theo tôi, ở đây cũng có cả trách nhiệm của Bộ Công Thương, khi mà vai trò tư vấn chuyên môn không rõ ràng", chị Phương Lan ở Mỹ Đình, Hà Nội nêu ý kiến.
Đồng tình với chị Lan, anh Hữu Huân ở Vĩnh Tuy, Hà Nội băn khoăn: "Tôi tin là chỉ có một số ít người có thời gian và sự kiên nhẫn để nghiên cứu đề xuất biểu giá mới của Bộ Công Thương. Chưa kể, có người xem xong cũng khó hiểu. Vậy mà Bộ lại để người dân tự chọn thì tự chọn làm sao? Những người ở nông thôn hay người già, ít tiếp cận với công nghệ hiện đại thì làm sao có thể hiểu hết để lựa chọn? Tại sao Bộ Công Thương không tiến hành điều chỉnh như trước, dựa trên một mức giá hợp lý, có lợi cho khách hàng?"
Anh Hoàng Cao Tuấn (quận Ba Đình, Hà Nội), một người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng số lượng điện dao động từ 200 - 400 kWh/tháng nhẩm tính: "Nếu đưa lên bàn cân tính toán thì chi phí tiền điện đối với những hộ sử dụng dưới 100kWh sẽ giảm khoảng 2.800 đồng/tháng, sử dụng khoảng 300kWh thì chi phí lại tăng khoảng 7.100 đồng/kWh do ghép bậc từ 201 - 400kWh. Nhưng nếu sử dụng đến 400kWh đến 500kWh sẽ lần lượt giảm từ 12.800 đồng/tháng và 7.200 đồng/tháng so với cách tính bậc thang cũ.
Cách tính điện một giá sẽ rất có lợi cho những người sủ dụng nhiều điện, nhất là từ 800 kWh trở lên, khi áp mức giá này đa số sẽ hạn chế được tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến vào những tháng nắng nóng".
Nếu theo mức giá tính theo 6 bậc cũ, với 400 số điện sinh hoạt nhà anh Tuấn mỗi tháng phải chi khoảng 900.000 đồng cho tiền điện, nhưng nếu tính theo khung giá điện một giá sẽ là 1,08 triệu đồng và 1,16 triệu đồng.
Anh Tuấn cũng đặt ra câu hỏi, việc điều chỉnh lại bậc giá từ 6 bậc xuống còn 5 bậc liệu có thực sự tạo lên sự thay đổi trong ngành điện hay chỉ có lợi cho những người dùng nhiều điện, thậm chí người tiêu dùng thêm rối rắm trong cách tính giá điện? Trong khi đó, nếu áp cách tính một giá thì thậm chí hoá đơn tiền điện còn tăng cao hơn bình thường?
Đồng tình với anh Tuấn, chị Lê Phương Trà (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lo lắng khi trung bình mỗi tháng gia đình chị sử dụng từ 400 - 500 số điện. Chị Trà cho biết, với các tính mới thì hầu như những người sử dụng từ 400 kWh trở lên đều sẽ bị tăng tiền điện, trong khi kinh tế ngày càng khó khăn vì dịch bệnh.
Từ số liệu của Bộ Công Thương có thể thấy chỉ có khoảng 20 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200kWh được giữ nguyên hoặc giảm giá. Trong khi đó có khoảng trên 5 triệu khách hàng sử dụng điện trong khoảng 201 - 300kWh sẽ bị ảnh hưởng từ việc tăng tiền điện từ 4.000 - 99.000 đồng/tháng.
"Với phương án 2 của Bộ Công Thương thì biểu giá điện bậc thang đối với khách hàng sử dụng từ 701kWh trở lên sẽ phải trả số tiền điện rất cao. Mức giá bậc 5 ở phương án 2A bằng 274% giá bán điện bình quân, tương đương 5.109 đồng một kWh. Ở kịch bản 2B, giá bậc 5 bằng 185% giá bán bình quân, 3.455 đồng một kWh. Các mức giá này cao hơn giá bậc 5 tại phương án 1 là 332-1.986 đồng mỗi kWh. Đây là mức giá quá cao và người tiêu dùng sẽ phải chi trả một số tiền lớn hơn rất nhiều", chị Trà nói.
Tuy nhiên, trên lý thuyết là một chuyện nhưng thực tế mức tiêu thụ điện hàng tháng không thể đóng khung như nhau nên nhiều người phân vân chưa biết phải chọn phương án nào cho hợp lý và giảm tải chi phí tiện điện sinh hoạt hàng tháng.
"Gia đình tôi đã nghiên cứu đề xuất mới nhưng thực sự đang rất rối không biết phải chọn phương án nào cho hợp lý bởi mức độ chênh lệch giữa các phương án là rất lớn và không thống nhất. Càng tính càng thấy loạn không rõ sẽ phải trả nhiều tiền hơn hay ít hơn phương án cũ", chị này chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho biết, cho dù người tiêu dùng có chọn phương án nào cũng khó giải quyết căn cơ vấn đề tiền điện tăng đột biến bởi theo cách tính hiện nay và cách tính mới đều dựa trên phương án luỹ tiến, tức dùng càng nhiều thì số tiền phải trả cho mỗi kW điện càng lớn.
Còn với phương án “điện một giá”, các chuyên gia khẳng định: chỉ những hộ tiêu dùng từ 700kWh điện một tháng trở lên (tương ứng mỗi tháng đang phải trả trên 2 triệu đồng tiền điện) thì mới nên cân nhắc lựa chọn, bởi mức giá bán điện một giá không hề “dễ chịu” chút nào. Nếu áp theo mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) thì một kWh “điện một giá” người tiêu dùng sẽ phải trả khoảng 3000 đồng/kWh, thậm chí là cao hơn mức này.
Việc áp dụng một giá cũng sẽ làm giảm nguồn thu của doanh nghiệp điện, từ đó sẽ khó có thể bù được chi phí sản xuất như vậy vừa không đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng vừa không đảm bảo được lợi ích cho doanh nghiệp.
Bình luận