Việt Nam hiện đang là 1 trong 3 nước trên toàn thế giới có hơn 200 ca nhiễm, chưa có người chết vì dịch COVID-19. Đây là thành công rất lớn của cả hệ thống chính trị, trình độ chuyên môn cao của ngành y tế Việt Nam, tinh thần thương nhau của người Việt, trong đó không thể bỏ qua tính chủ động tự giúp mình của người khuyết tật. Hiện chưa ghi nhận có người khuyết tật (NKT) nào bị nhiễm virus trong cả nước.
Quỹ Hỗ trợ Chương trình dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) là một quỹ từ thiện xã hội được thành lập năm 2016. Ngay từ khi dịch xảy ra, AFV đã hợp tác với đối tác các cấp, trong đó có Hội NKT tại địa phương nơi AFV có dự án, lập kế hoạch và tìm kiếm tài trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương. Các gói hỗ trợ cho NKT và gia đình họ bao gồm các nhu yếu phẩm (gạo, muối, dầu ăn…), khẩu trang/nước rửa tay và thông tin tự bảo vệ bản thân phòng chống dịch bệnh. Đợt này, AFV đã tài trợ, đồng tài trợ cho hơn 200 suất quà với tổng trị giá gần 250 triệu đồng đến NKT và gia đình họ, chưa kể các gói hỗ trợ phục hồi sinh kế sau dịch.
Bà Mai Thị Thanh Nhàn, Quản lý Đối tác Chiến lược nhóm sinh kế và hỗ trợ khẩn cấp của AFV cho biết: “Rà soát nhanh một số kinh nghiệm trong hỗ trợ NKT ứng phó với dịch chúng tôi thấy có một số điểm chung, đó là các gói hỗ trợ có thể phù hợp cho các nhóm khác chưa chắc đã phù hợp với NKT; đảm bảo sinh kế trong và sau dịch có ý nghĩa và hiệu quả lâu dài cho cuộc sống của NKT; thông tin tuyên truyền phòng dịch đến NKT cần phù hợp với cách tiếp thu của họ thì mới hiệu quả và quan trọng nhất là NKT cần được tham vấn và tự quyết định những gì họ sẽ nhận được và sử dụng”.
Về những băn khoăn của NKT trong phòng chống dịch, bà Nguyễn Hồng Oanh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì sự phát triển hoà nhập (IDEA) trao đổi: “Chúng tôi rất lo lắng nếu chẳng may có NKT mắc dịch, khi phải đi cách ly thì không biết sẽ xoay xở sinh hoạt thế nào trong khu đó? Chúng tôi đang quan tâm đến các gói hỗ trợ bằng tiền cho người mất việc làm và các chương trình trợ giúp xây dựng sinh kế cho các nhóm thiệt thòi sau dịch. Hi vọng khoảng trống về thông tin và can thiệp hỗ trợ này được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách”.
Đánh giá về kết quả hoạt động ứng phó với COVID-19 của một số chương trình hỗ trợ NKT trong các địa phương khác nhau trên cả nước, bà Nguyễn Ngọc Anh, Quản lý Chương trình của Tổ chức phát triển quốc tế CBM cho rằng: “CBM với hơn 100 năm kinh nghiệm hỗ trợ NKT trên toàn thế giới đã rút ra bài học rằng các dự án hỗ trợ NKT sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu họ được hòa nhập đầy đủ vào mọi hoạt động của cộng đồng, đặc biệt nếu họ được tham gia quyết định mọi giai đoạn hoạt động. Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch, tin rằng các kết quả này sẽ bền vững hơn trong tương lai nếu NKT và các nhóm thiệt thòi có vai trò rõ nét hơn trong các chương trình chuẩn bị, ứng phó và hồi phục sau dịch".
CBM là 1 tổ chức phát triển quốc tế có lịch sử hơn 100 năm làm việc tại các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới không phân biệt màu da, giới tính và tôn giáo, với sứ mệnh chung “cam kết thúc đẩy 1 xã hội hòa nhập – mà ở đó NKT được hưởng quyền và phát triển toàn diện”.
Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu” được thực hiện tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, do CBM và ActionAid đồng tài trợ, AFV, Hội NKT huyện Nho Quan, UBND Huyện Nho Quan là đơn vị thực hiện. Dự án hướng tới nâng cao năng lực NKT trong chuẩn bị, ứng phó và khôi phục sau thiên tai.
Bình luận