Lo ngại trên được đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng nay (24/10) liên quan vấn đề thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Lo ngại cơ chế xin cho
Trả lời VTC News, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ đánh giá, dự thảo luật lần này tiếp thu khá nhiều ý kiến của các đại biểu góp ý từ kỳ họp trước, nhưng để có thể thông qua, cần quan tâm, nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa một số vấn đề.
Thứ nhất, nền y học dân tộc và hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập với quốc tế, đòi hỏi luật phải quy định rõ nội dung quan trọng đến mục tiêu này. Ví dụ, vấn đề xã hội hóa, dịch vụ cơ sở công lập và tư nhân nhằm đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh hiện nay.
Thứ hai, luật cần đưa ra các chính sách ưu tiên khuyến khích đãi ngộ y bác sỹ, bệnh viện thay vì chỉ ghi chung chung là xã hội hoá thì được hưởng ưu tiên theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, dự thảo luật lần này chưa quy định rõ việc tự chủ của các bệnh viện thế nào, theo phương thức ra sao. Trong khi đó, tự chủ là chủ trương rất tốt của Đảng và Nhà nước với các đơn vị công lập, nhất là trong bối cảnh nhiều bệnh viện tuyến đầu ngành Y tế đang xin rút không thí điểm tự chủ.
Thứ tư, việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia còn nhiều ý kiến khác nhau, như nên thuộc Bộ Y tế hay đơn vị độc lập. Dự thảo Luật Khám chữa bệnh chưa nêu rõ nhu cầu cấp thiết khi thành lập hội đồng, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ hiện nay… Dự thảo mới chỉ đang quy định Hội đồng Y khoa mang chức năng xây dựng và trình Bộ Y tế ban hành các quy định, tiêu chuẩn, kiểm tra đánh giá để cấp phép liên quan các vấn đề trong ngành y tế.
Trong khi đó, đây là hội đồng quyết định việc một người có được hành nghề và tiếp tục hành nghề y hay không, đánh giá những tiêu chuẩn trong ngành y dược.
Đại biểu Tạ Văn Hạ lo ngại, nếu luật không quy định cụ thể, sẽ có nguy cơ nảy sinh vấn đề xin cho, gian lận và nhiều giấy phép con ra đời trong đánh giá, kiểm tra y bác sỹ, cơ sở y tế.
Do đó, theo ông, luật cần quy định rõ bộ máy tổ chức trực thuộc đơn vị nào để không làm phình nhân sự, đảm bảo tinh gọn bộ máy và biên chế. Những điều trên cần được xem xét kỹ lưỡng trong luật, đặc biệt là hiệu quả làm việc của hội đồng.
Ông Hạ thắn thắn cho rằng, dự thảo Luật Khám chữa bệnh hiện nay còn nhiều điều chưa rõ và cần tiếp tục chỉnh sửa, chưa nên thông qua tại kỳ họp này.
"Một dự thảo luật được điều chỉnh và thông qua sau 2 - 3 kỳ họp là chuyện bình thường, có thể kéo dài thêm một kỳ họp nữa cũng không thành vấn đề. Quan trọng là các quy định trong luật khi ban hành sẽ áp dụng được vào cuộc sống, ngành y tế tháo gỡ được những khó khăn mà các cơ sở, y bác sỹ đang vướng phải", ông nhấn mạnh.
Không chỉ ông Hạ mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, kỳ họp lần này chưa nên vội thông qua luật Khám chữa bệnh, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa luật vào áp dụng cuốc sống, đúng và phù hợp với thực tiễn ngành y hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng, cần quy định chi tiết về vị trí pháp lý chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Tại khoản 1 điều 24 của dự thảo luật quy định hội đồng là tổ chức độc lập, có con dấu riêng, trụ sở riêng. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn băn khoăn khi thành lập hội đồng này thì đầu mối quản lý là Bộ Y tế hay Chính phủ như các bộ, ngành và tương đương hay không. Cơ quan nào chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý Nhà nước với Hội đồng Y khoa Quốc gia.
"Vì vậy trong giai đoạn thí điểm theo Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương, tôi đề xuất Hội đồng Y khoa Quốc gia nên giao Bộ Y tế thành lập để phù hợp nhiệm vụ khoản 2 điều này, phù hợp công tác quản lý nhà nước và chuyên môn Bộ y tế. Biên chế do Bộ Y tế sử dụng từ các chuyên gia bác sỹ giỏi hiện có của ngành và đồng thời không phát sinh đầu mối và biên chế", ông Mạnh đề xuất.
Ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cũng ý kiến rằng, dự thảo luật này còn nhiều nội dung tiếp tục phải hoàn chỉnh. Với mong muốn có bộ luật tốt, ban hành được ngay nhưng chất lượng vẫn phải đặt hàng đầu.
"Vẫn nên cân nhắc nghiên cứu rà soát kỹ nội dung chuẩn bị chu đáo đến kỳ họp sau mới thông qua dự án luật này. Đặc biệt là vấn đề thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, hoạt động sao cho hiệu quả, ngăn được cơ chế xin cho, không minh bạch trong đánh giá, cấp phép bác sỹ, bệnh viện", đại biểu An nhấn mạnh.
Bốn điểm tranh cãi
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý liên quan dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nêu nội dung của dự thảo luật còn có ý kiến khác nhau.
Về xã hội hóa trong hoạt động y tế, các đại biểu đề nghị Luật sửa đổi cần quy định rõ hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với giá khám bệnh, chữa bệnh, các đại biểu cho rằng, nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện. Điều 108 của dự thảo chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh, việc quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh và các yếu tố căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh... ở bệnh viện công và viện tư nhân.
Bà Thuý Anh cho biết, hiện có hai luồng ý kiến về giá dịch vụ khám chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp. Bên cạnh nhóm đồng tình với quy định trong dự thảo, nhóm ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước cần quy định khung giá dịch vụ như đang thực hiện ở một số nước.
Với các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, lợi dụng uy tín của cá nhân, đăng tải thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Về kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện.
Sau khi thảo luận hội trường, Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 14/11.
Bình luận