Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội thời gian qua.
Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm như vụ khởi tố tại FLC, Tân Hoàng Minh… Bên cạnh đó tình trạng 2 giá trong giao dịch bất động sản thực tế cao hơn nhiều so với kê khai trên hợp đồng trong hoạt động kinh doanh bất động sản còn xảy ra phổ biến, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp thất thu thuế, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai thuế.
Tuy nhiên các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn chung chung chưa giải quyết tận gốc vấn đề mà ngược lại làm phát sinh một số hệ luỵ bất cập trong quá trình thực hiện. Hiện việc kê khai tính thuế được tính theo giá hợp đồng thực tế, trường hợp hợp đồng không ghi giá hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất nhà nước quy định thì tính thuế theo khung nhà nước.
“Như vậy nguồn gốc của thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản chính là từ sự kê khai không trung thực của một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra bảng giá đất tại một số địa phương không sát với giá thị trường, thấp hơn nhiều so với giá thực tế”, đại biểu Bình nói.
Để không thất thu thuế trong hoạt đông kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, nhà nước phải gắn với quyền lợi của người sử dụng đất, trong đó phải nâng giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất sát với giá thực tế.
“Khi kinh doanh chuyển nhượng bất động sản thì người dân chịu mức thuế cao hơn (theo giá thị trường) nhưng khi bị thu hồi đất, đền bù thì người dân bị áp theo giá nhà nước. Tình trạng hai giá đã dẫn đến bất bình đẳng”, ông Bình cho biết.
Đáng chú ý, cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế cho hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản ở các địa phương không thống nhất, mỗi nơi áp dụng một kiểu.
Chia sẻ với PV VTC News bên hành lang quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng, giá bất động sản thời gian qua bị đẩy cao chót vót là bất bình thường. Nó giống như một quả bóng không biết vỡ lúc nào.
Ông Hòa cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá bất động sản là điều quan trọng hiện nay để sát với giá trị thực. Đây cũng là tạo điều kiện để bất động sản được lưu thông trên thị trường hợp lý, và cũng là cơ sở để chính quyền địa phương, cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và thu thuế bất động sản khu vực mình, tránh gây thất thu cho nhà nước.
“Đầu tư bất động sản cho lợi nhuận rất cao, đây là món mồi béo bở cho các nhà đầu tư, đầu cơ, nhưng nếu không quản lý chặt, không có cách tính thuế công khai, minh bạch và quyết liệt vào cuộc của các cơ quan thuế, chính quyền địa phương, cơ quan thẩm định giá thì nhà nước sẽ thất thu. Thậm chí nhiều trường hợp mua bán bất động sản sang tay không qua cơ quan thuế, mua bất động sản trị giá 10 tỷ đồng, nhưng chỉ kê khai số tiền 1 tỷ đồng. Do đó, tôi cho rằng các cơ quan quản lý là chính quyền địa phương, cơ quan thuế, thẩm định giá phải quản lý thị trường BĐS minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật”, đại biểu Hòa cho biết.
Bình luận