- Trong sự phát triển của khối kinh tế tư nhân thời gian qua đã nổi lên vai trò của những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực trọng yếu như như Vingroup, Vietjet, Sun Group, TH Truemilk... Ông đánh giá thế nào về vai trò của các Tập đoàn này với nền kinh tế?
Tất cả các chủ trương, chính sách của nhà nước hiện nay là ưu tiên phát triển mọi thành phần kinh tế. Chúng ta đang đi theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (mặc dù khu vực này vẫn đóng vai trò chủ đạo) nhưng ưu tiên và tạo mọi điều kiện phát triển doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Trên thực tế, chúng ta đang mong muốn phát triển các doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh để đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam.
Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, bao giờ các tập đoàn kinh tế lớn cũng tạo ra một thế mạnh không những cạnh tranh trong nước mà còn muốn vươn ra thị trường thế giới. Như vậy, chúng ta luôn mong muốn có những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh để làm đầu tàu kéo theo các doanh nghiệp khác trở thành chuỗi giá trị lớn để phát triển kinh tế đất nước.
Về mặt số lượng, hiện nay doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm một tỉ lệ rất lớn, lên đến 98%. Khu vực này đóng góp cho nền kinh tế đất nước rất nhiều, từ GDP đến thuế. Khối doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng thuế kém khu vực doanh nghiệp nhà nước một chút, còn cao hơn doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra công ăn việc làm cho người lao động rất nhiều. Đây là nền tảng quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, và trong tương lai khu vực này sẽ ngày càng lớn mạnh.
- Có những lĩnh vực mà trước đây được coi là độc quyền của nhà nước như đầu tư hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển thì nay đã được mở cửa cho khối tư nhân tham gia. Chẳng hạn như sân bay Vân Đồn được xây trong thời gian ngắn kỷ lục, đạt chất lượng đề ra. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Chúng ta đã có Luật Đầu tư, sắp tới tiếp tục sửa lại luật này. Có một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh, quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng “xương sống” của nền kinh tế thì nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ. Còn những lĩnh vực không hạn chế, pháp luật không cấm thì doanh nhân, tư nhân đều có thể tham gia. Vấn đề này chúng ta đã có chủ trương, chính sách nên tư nhân có thể làm theo đúng pháp luật quy định.
- Mỗi quốc gia đều có những thương hiệu mạnh tạo nên hình ảnh cho từng quốc gia, ví dụ nhắc tới Samsung là của Hàn Quốc, Honda của Nhật Bản… Ông đánh giá bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế và khát vọng đó liệu có quá xa vời khi đội ngũ doanh nhân hiện nay được cho là rất giàu tinh thần dân tộc?
Một doanh nghiệp muốn phát triển và vươn xa thì phải xây dựng được thương hiệu, đồng thời duy trì và phát triển thương hiệu đó, từ chất lượng đến quy mô. Với chúng ta hiện nay cũng có một vài thương hiệu mạnh trong tất cả các lĩnh vực. Tôi mong rằng, thời gian tới những thương hiệu này tiếp tục duy trì, phát huy được giá trị thương hiệu, chất lượng thương hiệu của mình để vươn xa không chỉ trong nước mà ra thế giới.
- Ông bình luận gì về ý kiến cho rằng, trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại tâm lý “ghét người giàu”, dẫn đến không thừa nhận, thậm chí phủ nhận rất nhiều đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho người lao động?
Đây là do nhận thức, vì chỉ khi nào dân có giàu thì nước mới mạnh. Dân giàu có sẽ đóng góp nhiều cho đất nước và làm cho đất nước ngày càng mạnh hơn. Những việc này cần phải khuyến khích, đồng thời bác bỏ những tư tưởng kỳ thị đó, vì chúng ta là người Việt Nam, kiều bào Việt Nam ở nước người cũng đều là những người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Chúng ta còn đang mong muốn thu hút, kêu gọi kiều bào Việt Nam ở nước ngoài quay về đầu tư trong nước với một mục đích cao cả là cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng.
- Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là đáng ghi nhận, tuy nhiên nó đã tương xứng với tiềm năng cũng như khả năng thực sự của khối này hay chưa?
Theo định hướng chung, ngày càng phải phát triển khối tư nhân, vì chúng ta có tiềm năng, tiềm lực rất lớn. Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay đang rất hùng hậu. Do đó, trong thời gian tới cần có thêm nhiều chính sách cởi mở hơn để các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân có điều kiện tiếp cận, phát triển thuận lợi hơn.
Từ khi có Hiến pháp 2013 thì các bộ luật đang được tiếp tục triển khai để tạo hành lang và cơ chế thông thoáng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thực hiện rất nhiều các biện pháp cải cách hành chính, cơ chế để tiếp tục mở rộng cửa cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, có điều kiện, cơ hội phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
- Là đại biểu Quốc hội đại diện cho tiếng nói của cử tri cả nước, ông có kiến nghị, đề xuất gì về việc sửa đổi các chính sách, pháp luật hiện tại để mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế?
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, chúng tôi có 3 trách nhiệm lớn. Thứ nhất, cùng các đại biểu Quốc hội khác xây dựng các đạo luật. Thứ hai, thực hiện giám sát tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội. Thứ ba, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Như vậy, để các doanh nghiệp tư nhân phát triển, một là phải xây dựng các đạo luật để tạo một cơ chế thông thoáng, đủ điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển. Hai là, khi luật ra đời thì chúng tôi sẽ tổ chức giám sát xem tất cả các cơ quan, như hành pháp hay chính quyền địa phương tổ chức thực hiện như thế nào, đúng pháp luật hay chưa và thường xuyên tổng kết, đánh giá lại các luật đó đã đi vào cuộc sống hay chưa, còn vướng mắc gì để tiếp tục hoàn thiện. Ba là, định hướng các dự án quan trọng quốc gia để làm nền tảng, tạo sự lan tỏa, thu hút các nguồn đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh tế, xã hội.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận