Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho rằng Luật Dược hiện nay tồn tại nhiều bất cập dẫn đến thả nổi tình trạng mua bán thuốc lậu, không hoá đơn, khó quản lý nguồn gốc, chất lượng.
Nữ đại biểu đề xuất trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Dược tới đây, Quốc hội sẽ có nhiều biện pháp, chế tài để ngăn tình trạng trên.
- Nguyên là Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM và phụ trách mảng Dược nhiều năm, bà thấy có những thách thức, khó khăn nào trong vấn đề kiểm soát, phát hiện và xử lý thuốc lậu?
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực quản lý dược trước đây, bản thân tôi luôn mong muốn làm sao bệnh nhân khi mua thuốc phải có đơn của bác sĩ, thuốc kê đơn không được bán tự do mà phải được quản lý chặt chẽ.
Với các công ty, doanh nghiệp dược lớn, điều này có thể thực hiện. Nhưng với hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể, nhà thuốc nhỏ lẻ trên địa bàn TP.HCM, tình trạng bán thuốc không cần toa, không có hóa đơn rất khó kiểm soát. Các trình dược viên có thể chào thuốc lậu, thuốc giả cho những nơi này, với giá bán rẻ và được nhà thuốc ham lợi nhuận tuồn vào.
Để kiểm soát tình trạng trên, nước ta dùng tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP) cho nhà thuốc, sau đó quản lý sai phạm bằng thanh kiểm tra. Tuy nhiên, với kiểu thanh tra như hiện nay, gần như không thể xử lý được vấn đề.
Theo phân cấp, các nhà thuốc là hộ kinh doanh cá thể sẽ do phòng y tế địa phương quản lý. Mỗi năm theo quy định, thanh tra chỉ đi kiểm tra một lần. 24 phòng y tế các quận, huyện, đâu phải nơi nào cũng có dược sĩ, hoặc nếu có cũng là dạng kiểm tra liên ngành. Cả Sở Y tế cũng chỉ có khoảng 5 thanh tra là dược sĩ.
Ngay bản thân tôi cũng từng gặp khó khăn khi lập đoàn thanh tra theo kế hoạch về thực phẩm chức năng, khi các nhà thuốc tư nhân phản ứng đã có phòng y tế đến kiểm tra và kết luận tốt rồi.
Xác định tổ chức, cá nhân bán thuốc giả, thuốc lậu đã khó khăn, nhưng khi phát hiện rồi, chế tài và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật cũng chưa đủ sức răn đe.
- Nhiều loại thuốc lậu đã được mang vào bệnh viện, gắn mác thuốc song song nhập từ các nước như Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… để chào mời. Bà có cho rằng, hiện nay người dân quá dễ dàng để tiếp cận thuốc ngoại?
Để bàn về điều này, trước tiên cần nói về quy định cấp phép lưu hành thuốc. Việt Nam đang có hơn 20.000 số đăng ký thuốc. Đây là số lượng quá nhiều, trong khi ở các quốc gia phát triển và kể cả trong khu vực cũng không nhiều như vậy. Thuốc từ Mỹ, châu Âu đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan… đâu đâu cũng đều có ở Việt Nam.
Khi thuốc quá nhiều sẽ rất khó để kiểm soát, thực hiện đấu thầu theo quy định, và cũng là cơ hội cho thuốc lậu, thuốc giả len lỏi vào.
Với biệt dược gốc, để phòng trường hợp thiếu thuốc vì giá cao và độc quyền, Việt Nam có chính sách cho nhập khẩu song song. Tuy nhiên, chính sách này hầu như không có tác dụng, bởi nếu là biệt dược gốc, vì dù mua qua con đường nào cũng đều bắt nguồn từ công ty mẹ.
Do đó, thuốc song song nhập về chỉ có thể là thuốc generic và thuốc lậu, thuốc giả. Ngoài ra, còn có nguồn hàng là thuốc người dân mua ở nước ngoài theo diện cá nhân rồi xách tay mang về, kê giá lên bán kiếm lời.
Các quảng cáo thuốc chính hãng song song nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… để bán cho bệnh nhân là sai sự thật. Chưa cần biết chất lượng thế nào, nếu giả mạo thương hiệu, giả mạo mẫu mã thì đã là đồ giả. Khi xài thuốc này, bệnh nhân nếu tổn hại sức khỏe, nguy hiểm tính mạng cũng không thể truy trách nhiệm của hãng, không được đền bù gì cả.
Trong Luật Dược hiện nay không có quy định giới hạn số đăng ký thuốc. Cứ nộp đủ hồ sơ là được cấp phép. Điều này dẫn đến chuyện xếp hàng đi xin số đăng ký nhưng không sản xuất mà chỉ "để dành", gây ùn tắc thủ tục, tạo điều kiện cho cơ chế "xin - cho" tồn tại.
Tôi nghĩ, những thuốc nào trong nước đã sản xuất được, cần có chính sách để hạn chế nhập khẩu. Thuốc nào đã có nhiều, có đủ số đăng ký thì ngưng cấp phép lại. Kế đến, phải có sự kiểm soát máy móc, trang thiết bị làm thuốc, thay vì ai có tiền cũng mua được.
Thực tế, có tình trạng các đối tượng chỉ nhập nguyên liệu là tá dược, mang về điều chế và dập viên thành thuốc giả, ma túy. Thậm chí, có trường hợp sản xuất thuốc trong nước, mang sang các quốc gia khác rồi quay ngược trở về thành "thuốc ngoại".
Nhìn rộng hơn, nếu muốn có thuốc đáp ứng chất lượng cần phải đầu tư, từ hệ thống quản lý, nguyên liệu làm thuốc đến việc duy trì chuẩn GMP ở nhà thuốc. Về thuốc nhập khẩu, ngoài chuyện giới hạn visa thuốc, cần đến tận nơi kiểm tra khâu sản xuất hoặc thuê tổ chức trung gian có chuyên môn khảo sát kỹ lưỡng trước khi cấp phép.
- Theo quan điểm của bà, mấu chốt để xử lý tình trạng mua bán thuốc lậu, thuốc giả nói chung, ngăn chặn thuốc lậu vào bệnh viện là gì?
Giải pháp để xử lý thuốc lậu, theo tôi trước hết và cần nhất, là phải thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra.
Ở các nước phát triển, họ sử dụng hội nghề nghiệp (như dược sĩ đoàn, hội dược học) để thanh tra việc kinh doanh thuốc. Cụ thể, dược sĩ đoàn sẽ tham gia khâu thẩm định thuốc cùng chính quyền và giám sát, kiểm tra lẫn nhau.
Vì tính cạnh tranh của thị trường, họ sẽ thông báo, "tố" ngay đến cơ quan chức năng ngay khi phát hiện sai phạm của nhau. Thậm chí, hội nghề nghiệp có quyền đề xuất rút giấy phép, rút chứng chỉ hành nghề khi vi phạm mức độ nặng.
Hội nghề nghiệp là lực lượng có chuyên môn và quân số đông. Còn số lượng thanh tra của cơ quan quản lý quá ít. Hơn 6.000 nhà thuốc ở TPHCM, đi bao nhiêu cho đủ.
Do đó, cần cấp quyền để hội nghề nghiệp là cánh tay nối dài cho việc quản lý Nhà nước. Nhưng cả Luật Dược do Quốc hội ban hành lẫn luật Khám, chữa bệnh của Bộ Y tế đều chưa có quy định trên.
Thời điểm xây dựng Luật Dược năm 2015, chúng tôi đã từng góp ý việc này, đến nay vẫn không thực hiện được. Nếu để tình trạng độc quyền cho hệ thống thanh tra, rồi lại sợ thanh tra tiêu cực, đặt ra quy định chỉ kiểm tra một lần trong năm, trong khi các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi, chẳng khác nào tự trói tay chân mình.
Do đó, trong lần sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Dược tới đây sẽ chú trọng các nội dung quản lý bán thuốc rõ nguồn gốc, ngăn tình trạng thuốc gia, thuốc lâu.
Trở lại với câu chuyện có đối tượng vào bệnh viện chào mời, bán thuốc lậu, đây là hồi chuông báo động trong việc quản lý và kiểm soát thuốc. Bệnh nhân đã nghèo, thiệt thòi về sức khỏe, giờ lại chịu cảnh dùng thuốc không đảm bảo chất lượng là quá sức tội nghiệp. Nếu có bác sĩ nào tiếp tay cho thuốc lậu, phải xử lý thật quyết liệt.
Tôi đề nghị, ngành y tế, Sở Y tế TP.HCM và lãnh đạo, quản lý các bệnh viện tuyến Trung ương cần ghi nhận có tình trạng mua bán thuốc lậu để chấn chỉnh, xử lý nghiêm nếu phát hiện bác sĩ, nhân viên y tế sai phạm.
Mấu chốt là việc thanh tra thuốc phải thay đổi dứt điểm, không để tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa". Ngoài ra, người bệnh phải tỉnh táo để tự bảo vệ mình.
- Xin cảm ơn bà!
Bình luận