Sau khi tốt nghiệp ngành y tại một học viện ở Hà Nội, anh Hoàng Văn Luân (dân tộc Tày, thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang, Na Rì, Bắc Kạn) về làm việc tại quê hương.
Từ chào hàng ở chợ truyền thống
Quá trình làm việc tại địa phương, anh thấy các loại thuốc từ đông y rất khan hiếm, anh có ý nghĩ về đầu tư trồng cây dược liệu cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh đông y.
Năm 2012, anh Luân hiện thức hoá ý định đó. Ban đầu anh trồng cây cà gai leo và giảo cổ lam, chủ yếu bán sản phẩm thô qua sơ chế.
Sau vài năm trồng, anh nhận thấy cây dược liệu rất phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương, cho năng suất, chất lượng cao. Nếu phát triển với diện tích lớn và sản xuất ra các sản phẩm có giá trị sẽ là cơ hội để nâng cao thu nhập và làm giàu.
Năm 2016, anh tập hợp các hộ dân chung niềm đam mê thành lập hợp tác xã trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu.
Ban đầu 7 thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu bằng việc liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Na Rì và Ngân Sơn trồng dược liệu. Anh cũng đồng thời nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu, tạo thành quy trình khép kín.
Thời gian đầu, sản phẩm làm ra phải mang đi chào hàng tại các chợ truyền thống với lượng tiêu thụ rất thấp, nguồn vốn quay vòng đã ít lại càng ít hơn. Hạn chế về khoa học kỹ thuật khiến cho sản phẩm đầu ra kém, khó tiếp cận khách hàng khó. Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, nhờ đó có thể đầu tư mở rộng công nghệ sản xuất.
Hợp tác xã sản xuất thành công các sản phẩm từ dược liệu với đủ bao bì nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ như: Cao cà gai leo, cao cà gai leo kết hợp một số thảo dược, trà giảo cổ lam.
Năm 2018, hợp tác xã đăng ký tham gia xếp hạng Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm trên đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, doanh số bán hàng ngày càng tăng.
Đến sàn thương mại điện tử
Tháng 6/2019, được sự hỗ trợ từ Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0”, vợ anh Luân là chị Ma Thị Miên và các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia tập huấn với các chuyên gia trong và ngoài nước về cách thức áp dụng công nghệ thông tin để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Dự án cũng giúp liên kết hợp tác xã sản xuất với các đối tác thương mại điện tử khác để đưa sản phẩm lên bán tại các sàn thương mại điện tử.
Ứng dụng những gì đã được tập huấn, chị Miên nhanh chóng đưa sản phẩm của HTX lên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như: Sendo, shopee, voso.vn, sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (backanmarket.vn). Nhờ đó, lượng sản phẩm tiêu thụ đã tăng đột biến, thu nhập của các thành viên trong HTX cũng gia tăng.
Cuối năm 2021, sản phẩm trà giảo cổ lam của hợp tác xã là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam do Tổng hội Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức.
Có được thành tích đáng khích lệ, anh Luân tiếp tục chú trọng chất lượng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm địa phương. Hợp tác xã trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu do anh làm giám đốc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Việc xây dựng thành công chuỗi sản xuất khép kín từ cây dược liệu đã tạo động lực mạnh mẽ để hợp tác xã phát triển. Từ đầu năm 2021 đến nay, hợp tác xã tập trung phát triển diện tích trồng hà thủ ô và cây lạc tiên, với hơn 30ha liên kết với 50 hộ dân các xã Văn Minh, Sơn Thành, Văn Lang.
Hiện, hợp tác xã trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu đã sản xuất thành công sản phẩm cao hà thủ ô và trà lạc tiên dạng túi lọc.
Đây là 2 sản phẩm mới của hợp tác xã tham gia phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Định hướng trong những năm tiếp theo, hợp tác xã phấn đấu nâng cấp các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, 5 sao OCOP, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo anh Luân, hiện nay các sản phẩm của hợp tác xã sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, mở rộng sản xuất là vấn đề còn nhiều khó khăn, do diện tích nguyên liệu phân tán, năng suất chưa ổn định, dẫn đến sản lượng dược liệu chưa ổn định.
Hợp tác xã mong muốn được hỗ trợ vốn để mở rộng diện tích trồng, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Bình luận