Sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ liên quan vấn đề góp ý xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hàng loạt chính sách mới trong thu hồi, xác định giá đất...
Góp ý liên quan đến vấn đề xét xử trong dự thảo Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết, theo thống kê, một năm toà án giải quyết hàng trăm vụ việc, trong đó hơn 90% các đơn thư khiếu nại, kiện tụng hành chính liên quan tới đất đai và 50% khiếu nại dân sự liên quan đến vấn đề này, cùng nhiều vụ án lớn.
Nguyên nhân chính của việc này do cơ chế quy định Luật Đất đai hiện hành còn chồng chéo, giá thu hồi và bồi thường của Nhà nước còn quá thấp.
Theo ông Chính, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là giá đất đai bị đẩy lên rất cao, "tăng phi mã" khi có yếu tố thương mại hoá xuất hiện. Nhiều diện tích bỏ hoang cả chục năm nhưng chỉ cần xây dựng thêm con đường, làm thêm cột đèn, phân từng lô là giá khác hoàn toàn ban đầu.
Giá đất hiện nay cũng đang chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, giữa các địa phương lân cận. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này rất cần xem xét đến vấn đề này để ngăn nguồn cơn của tham nhũng, trục lợi nhóm.
Chánh án TAND TP Hà Nội cũng đánh giá, việc thu hồi đất đai, thu hồi sổ đỏ còn nhiều bất cập. Trong quá trình tiếp dân, ông nhận thấy nhiều trường hợp hai nhà cạnh nhau nhưng một nhà được cấp sổ đỏ, nhà còn lại thì không, chứng tỏ tình trạng cấp sổ đỏ ở nhiều quận/huyện hiện nay chưa minh bạch, có yếu tố "đi đêm".
"Nếu không giải quyết dứt điểm thì sẽ không thể ngăn được các vụ khiếu kiện và khiếu nại của người dân, thậm chí rất dễ xảy ra những tranh chấp và nặng hơn là tính mạng con người", ông nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao lần sửa đổi Luật Đất đai lần này, đặc biệt là vấn đề bỏ khung giá Nhà nước - thể hiện sự thay đổi tư duy lãnh đạo và phù hợp với thời cuộc.
Theo luật hiện hành, Nhà nước quy định khung giá đất rất thấp, không còn phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Trong khi giá đất được doanh nghiệp, tập đoàn thu mua với giá rất cao. Đó là nguồn cơn của rất nhiều vụ khiếu kiện về giá đền bù đất đai. "Tôi hy vọng điều này sẽ được dự thảo làm rõ hơn và quyết liệt đưa vào thực tiễn, sẽ giúp người dân rất mừng", ông Cường nói.
Vị đại biểu cũng nêu, trong luật hiện hành, việc thu hồi đất đai thực hiện theo hai phương thức: Nhà nước thu hồi và doanh nghiệp thu mua. Quy định này cũng được đưa vào dự thảo sửa đổi ở điều 85 và 86. Tuy nhiên, ông đánh giá, quy định này còn hạn chế và không phù hợp, cần điều chỉnh, bởi vì:
Thứ nhất, nếu chúng ta để nhà đầu tư và người dân tự thỏa thuận thì xảy ra tình trạng khiếu kiện, bởi nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn giá đất của Nhà nước để được quyền sử dụng. Trong khi, Nhà nước thu mua quá thấp, họ chắc chắn sẽ không đồng ý giao đất mà chỉ giao lại quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư.
Thứ hai, sẽ bất bình đẳng khi người dân đang sử dụng đất này là đất nông nghiệp, nhưng khi bán cho nhà đầu tư thì họ lại được chuyển đổi thành đất ở, đất kinh doanh. Giá mua vào chỉ vài triệu đồng/mét vuông nhưng sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ lên tới 40-50 triệu đồng/mét vuông, "quá bất bình đẳng với người dân".
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên duy trì việc tự thỏa thuận và thu mua. Giá đất cần ghi rất rõ là giá đất phù hợp với “giá trị thị trường” thay vì chỉ ghi chung chung là “giá thị trường”, không phản ánh đúng thực chất việc mua bán hiện nay.
Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, ông Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, hiện nay, khung giá đất thực tế ở trên thị trường thường cao hơn nhiều giá đất do Nhà nước quy định. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai kéo dài.
Việc định giá đất trong thời gian qua cho thấy có lợi ích nhóm và có những hành vi tham nhũng, tiêu cực từ đất đai. Chính vì thế nên mới cản trở và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, thậm chí phát sinh khiếu nại, tố cáo.
"Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tôi quan tâm nhất là vấn đề định giá đất, tiền trả cho người dân sao cho hài hòa giữa doanh nghiệp và các lợi ích của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ được giao, khi địa phương giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án. Có như vậy, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác mới thuận lợi, nhanh chóng và hạn chế được những khiếu kiện phức tạp, tiêu cực, tham nhũng…", ông Lâm nhấn mạnh.
Do vậy, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc bỏ khung giá đất của Nhà nước quy định là cơ chế mở, rất phù hợp với tình hình hiện nay, cần làm ngay. Bởi vệc định giá đất ở các địa phương, vùng miền chưa có đủ dữ liệu thông tin của thị trường để làm căn cứ xác định giá.
Luật Đất đai ra đời cách đây hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau hơn 8 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai (sửa đổi 2013) đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn.
Một trong những bất cập là thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay tồn tại cơ chế 2 giá đất. Đó là một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá Nhà nước quy định. Thực tế cho thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Dự án luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Ngày 14/11, dự luật sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hội trường.
Bình luận