• Zalo

Đẩy mạnh chuyển đổi số để các hợp tác xã phát triển bền vững

Nông nghiệp - Nông thônThứ Năm, 10/11/2022 11:20:20 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu, yêu cầu cấp thiết của các hợp tác xã hiện nay.

Hợp tác xã (HTX) Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là một trong những đơn vị thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao.

Nhiều HTX chủ động tích cực

Với diện tích sản xuất 2,5 ha trồng nấm sò trái vụ và đông trùng hạ thảo, HTX đã đầu tư hệ thống phòng lạnh công nghiệp, kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, hệ thống phòng nhân giống, cấy mô cùng dây chuyền máy đóng bịch, nồi hơi hấp thanh trùng… để sản xuất sản phẩm nấm đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường.

Theo đó, trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 350 tấn nấm, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng, đem lại thu nhập ổn định cho 20 hộ thành viên. Năm 2021, HTX có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để các hợp tác xã phát triển bền vững - 1

Ngoài trồng nấm, HTX Tam Đảo còn mở rộng sang trồng đông trùng hạ thảo để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không chỉ có HTX Nấm Tam Đảo, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 30 HTX nông nghiệp, đang thực hiện ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý như: Lắp đặt hệ thống tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động, dán tem truy xuất nguồn gốc; sử dụng các phần mềm quản lý kế toán, kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số, camera giám sát hành trình... Bên cạnh đó, sản phẩm của các HTX cũng được kết nối, bán trên nhiều kênh, trong đó có các các sàn thương mại điện tử uy tín như Postmart.vn và Voso.vn…

Tại Hà Nội, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) là một trong những đơn vị có quy mô canh tác rau an toàn thuộc tốp đầu. Hiện trung bình mỗi ngày, đơn vị cung ứng cho thị trường khoảng 70 tấn rau củ quả các loại. Trong nhiều năm qua, công nghệ tưới bán tự động được HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức áp dụng triệt để trên gần 40ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này giúp tiết giảm công lao động và kiểm soát chất lượng nguồn nước cung cấp cho sinh trưởng, phát triển của rau củ quả.

Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết: “Ngoài công nghệ tưới, hiện nay việc ghi chép thông tin mùa vụ, chế độ chăm sóc rau củ quả và giao dịch hàng hóa cũng đang được đơn vị tích cực chuyển đổi sang sử dụng công nghệ thông tin. Điều này giúp quá trình quản lý thuận lợi hơn”.

Tương tự, tại Quảng Nam, đối với các HTX nông nghiệp, thông qua chuyển đổi số, quá trình sản xuất từng bước được số hóa, ứng dụng các công nghệ: IoT, AI, ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc, cũng như sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử.

Đơn cử, HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn trên địa bàn thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng chuyển đổi số và mang lại hiệu quả cao.

Với diện tích 1.200 m2 trồng dưa lưới, HTX đã đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động. Bên trong nhà lưới là môi trường vô trùng. Việc trồng và chăm sóc đều được đảm bảo với điều kiện kỹ thuật rất cao, từ khâu gieo giống, đến chăm sóc thường xuyên điều chỉnh nhiệt độ, chế độ phân bón khoa học, nhiệt độ điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng…

Nhờ đó, sản phẩm dưa lưới của HTX mang thương hiệu Tân Phong đã đăng ký truy xuất nguồn gốc và đạt chứng nhận VietGap. Với những thành công ban đầu, HTX đang nỗ lực mở rộng thêm 2 nhà lưới, với quy mô 1.200 m2/nhà lưới. Đồng thời, đang mở rộng tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và hướng tới xuất khẩu.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong xu hướng hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0, khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số. Đây là thời cơ và cũng là thách thức mà các HTX cần nhận diện để tham gia chủ động. Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại để tổ chức sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Thực tế đã chứng minh, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để các HTX phát triển theo kịp xu hướng của xã hội, bắt nhịp thị trường. Tuy nhiên, thống kê từ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, việc chuyển đổi số trên thực tế vẫn còn chậm và nhỏ lẻ, nhiều HTX vẫn đứng ngoài cuộc”, ông Thanh nói.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%; trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng… Điều này khiến nhiều HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực, lỡ mất thời cơ để phát triển.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để các hợp tác xã phát triển bền vững - 2

Mô hình sản xuất của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất. Phát triển khu vực KTTT luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm.

Tuy nhiên, khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn; đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn; năng lực, nội lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là một số nội dung hoạt động chưa theo kịp tình hình, trong đó chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.

“Do vậy, cùng với việc bản thân các HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược thì khu vực này rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn