PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, với học sinh tiểu học, THCS, THPT, dạy học chính thức tại trường mang tính bắt buộc nên hiện chưa có cơ sở pháp lý quy định cụ thể việc áp dụng dạy từ xa, dạy trực tuyến thay thế dạy trực tiếp.
Do đó, nếu muốn được công nhận việc dạy từ xa, học trực tuyến, các nhà trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, được quy định trong hướng dẫn 791/HD-BGDĐT ban hành năm 2013, công văn 4612/BGDĐT ban hành năm 2017 và nội dung nhiệm vụ năm học.
Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch giáo dục phải rất bài bản, chi tiết. Trong đó có kế hoạch dạy học bằng ứng dụng công nghệ thông tin (dạy online, giao nhiệm vụ học tập từ xa) có phân công nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo quản lý, giám sát học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập; có kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh khi trở lại trường.
Mặt khác, ông Thành cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo, khuyến khích các địa phương triển khai việc dạy từ xa, dạy qua truyền hình, đủ căn cứ để các trường cần xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát học sinh.
Ví dụ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có trách nhiệm thông tin cho học sinh, cha mẹ học sinh lịch của các tiết dạy qua truyền hình. Giáo viên bộ môn dựa theo nội dung bài giảng trên truyền hình để giao nhiệm vụ học tập cho học sinh và nhận bài thu hoạch, bài tập học sinh làm qua email hoặc các group học tập.
Đồng thời, các trường cần cụ thể hóa kế hoạch kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng linh hoạt. Có thể thông qua bài kiểm tra trên lớp hoặc qua các bài thuyết trình, thực hành, các dự án học tập mà học sinh tham gia có sản phẩm thu hoạch....
Tùy theo môn học, nội dung học tập, điều kiện của mỗi nhà trường, có thể giao cho học sinh làm các bài tập, bài thực hành, các dự án học tập bằng hình thức từ xa như một số trường đã làm. Kết quả thực hiện của học sinh có thể gửi cho các thầy cô giáo để được đánh giá, nhận xét, sửa chữa. Nhưng việc kiểm tra đánh giá chính thức phải được thực hiện khi học sinh trở lại trường.
Ngoài ra, theo ông Thành, trong trường hợp xấu nhất, dịch bệnh tiếp tục kéo dài hơn nữa và học sinh vẫn nghỉ, chưa đi học thì cần tính toán tinh giản nội dung dạy học. Phần nào học sinh được dạy qua internet, truyền hình thì sẽ được đánh giá lại và tính toán để hoàn thành tiếp nối phần kiến thức.
"Nếu học sinh nghỉ dài hơn do điều kiện bất khả kháng, Bộ sẽ điều chỉnh tiếp, đảm bảo cho học sinh khi quay trở lại trường có đủ thời gian để ôn luyện kiến thức. Trước khi năm học mới 2020-2021 bắt đầu, chúng ta có nhiều việc phải hoàn thành như tuyển sinh đầu cấp, thi THPT quốc gia. Do đó, Bộ sẽ theo dõi sát dịch bệnh để hướng dẫn các địa phương đảm bảo hoàn thành chương trình trong năm nay và kịp bắt đầu năm học mới", ông Thành cho hay.
Video: Bộ GD&ĐT cho phép các trường tinh giảm và đánh giá nội dung học qua truyền hình. Nguồn: VTC9
Bình luận