Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho hay, bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus.
Bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn hô hấp kích thước to; tiếp xúc dịch tiết sang thương; lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều có các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, hồi phục. Đặc biệt, 2 bệnh này diễn tiến tổn thương da như sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng mài, bong mài.
Bên cạnh khác biệt về tác nhân gây bệnh, bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo cũng chỉ rõ một số điểm khác biệt của 2 bệnh này.
Với đậu mùa khỉ sẽ xuất hiện phát ban mụn nước, mụn mủ cùng thời điểm, diễn tiến chậm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn, có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng, để lại sẹo. Tổn thương của bệnh thường lớn hơn thủy đậu. Đặc biệt, bệnh nhân sốt và nổi hạch toàn thân.
Bệnh thủy đậu cũng là phát ban nhưng các tổn thương xuất hiện thời gian khác nhau, diễn tiến nhanh, xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp cơ thể, thường ít để lại sẹo. Tổn thương nhỏ hơn đậu mùa khỉ. Bệnh nhân sốt, mệt mỏi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.
Đến ngày 3/10, thế giới ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 nước trên thế giới, trong đó 25 trường hợp tử vong.
Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao, khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) ở mức thấp đến trung bình, các khu vực khác ở mức trung bình.
Bình luận