• Zalo

Đậu mùa khỉ có lây truyền từ mẹ sang thai nhi?

Tư vấnThứ Tư, 12/10/2022 10:18:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Trước tình hình số ca đậu mùa khỉ gia tăng, nhiều người lo ngại về khả năng virus có thể truyền từ mẹ bị nhiễm sang thai nhi.

Mặc dù dữ liệu liên quan đến việc nhiễm đậu mùa khỉ trong thai kỳ còn hạn chế, nhưng theo các nhà khoa học, virus có thể truyền sang thai nhi nếu người mẹ nhiễm bệnh trong quá trình mang thai hoặc cho trẻ sơ sinh khi tiếp xúc gần, trong và sau khi sinh. Đường lây truyền qua nhau thai của người mẹ bị nhiễm bệnh sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần, trong và sau khi sinh.

Đậu mùa khỉ có lây truyền từ mẹ sang thai nhi? - 1

Theo các nhà khoa học, virus có thể truyền sang thai nhi nếu người mẹ nhiễm bệnh trong quá trình mang thai. (Ảnh minh họa)

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm đậu mùa khỉ trong thai kỳ xuất hiện giống như ở những người không mang thai, gồm sốt, nhức đầu, nổi hạch, khó chịu, đau họng, ho, và phát ban. Nguyên nhân gây sốt có thể khó xác định cho đến khi phát ban xuất hiện.

Điều quan trọng là phải phân biệt chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh da liễu của thai kỳ, bao gồm các nốt ban sẩn ngứa của thai kỳ.

Vì không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh đậu khỉ, phụ nữ mang thai nhiễm virus cần được theo dõi chặt chẽ. Các tổn thương do bệnh đậu mùa khỉ có thể giống sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng khác như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Trẻ sơ sinh bị lây bệnh từ mẹ có thể có những biến chứng nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi và các vấn đề về mắt, thậm chí là tử vong.

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và hỗ trợ hệ thống hô hấp và tim mạch của em bé.

Phòng bệnh đậu mùa khỉ cho trẻ sơ sinh

Tách mẹ bị nhiễm đậu mùa khỉ khỏi trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây truyền. Nếu bệnh nhân chọn tiếp xúc với trẻ sơ sinh trong thời kỳ lây nhiễm của họ, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

- Không tiếp xúc trực tiếp da với da

- Trẻ sơ sinh nên được mặc quần áo hoặc quấn đầy đủ, và sau khi tiếp xúc, quần áo hoặc chăn phải được thay mới.

- Bệnh nhân phải luôn đeo găng tay và mặc áo choàng mới, che tất cả các vùng da có thể nhìn thấy dưới cổ.

- Tiệt trùng và thay mới ga trải giường.

- Đeo khẩu trang y tế trong quá trình thăm khám.

- Việc cho con bú cũng nên được trì hoãn cho đến khi kết thúc thời gian cách ly.

VOV2
Bình luận
vtcnews.vn