Theo CBRE, tính đến 9/2019, Việt Nam chào đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ 2018. Xét về lưu lượng khách quốc tế, khách đến từ các quốc gia châu Á vẫn áp đảo với gần 79% tổng lượt khách trong 9T/2019, trong đó riêng Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 55% tổng lượt khách.
Về nguồn cung khách sạn, tính đến cuối Q3/2019, CBRE ước tính toàn quốc có tổng cộng 442 dự án khách sạn 4 sao và 5 sao đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 91,236 phòng.
Dẫn đầu về nguồn cung phòng khách sạn cao cấp hiện là Đà Nẵng và Khánh Hòa (với khoảng 14 nghìn phòng ở mỗi địa phương, tốc độ tăng trưởng trên 19% mỗi năm trong giai đoạn 2015-Q3/2019).
Tiếp theo là TP.HCM và Hà Nội với nguồn cung khách sạn cao cấp lần lượt là 10,600 và 7,900 phòng, tuy nhiên tăng trưởng chỉ ở mức 2-4% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm vừa qua.
Phú Quốc là địa điểm đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng nhất ở mức 36% mỗi năm, và hiện số phòng khách sạn cao cấp ở huyện đảo này đã gần bằng nguồn cung ở Hà Nội, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam.
Xét về nhóm sản phẩm bất động sản du lịch bán bao gồm biệt thự du lịch và căn hộ du lịch, thị trường ở các thành phố du lịch trọng điểm đã chứng kiến sự giảm nhiệt đáng kể về nguồn cung mới từ năm 2018 đến nay.
Cụ thể, nguồn cung tích lũy biệt thự du lịch tại ba thị trường chính là Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc có tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm lần lượt là 2,6%, 0,9% và 7,3% trong giai đoạn 2017-Q3/2019.
Tốc độ tăng trưởng của nguồn cung căn hộ du lịch cũng giảm mạnh trong giai đoạn sau 2017. Ví dụ nguồn cung tại Khánh Hòa chỉ tăng trung bình 7%/năm so với mức 239%/năm trong 2 năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý Cấp cao của CBRE Hotels Việt Nam, sự giảm nhiệt về phương diện nguồn cung mới này là cần thiết để thị trường có những bước điều chỉnh phù hợp sau giai đoạn tăng trưởng nóng, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý của các sản phẩm nghỉ dưỡng bán đang cần được cải thiện để bắt kịp với đà tăng trưởng của thị trường.
Bàn về những xu hướng cho giai đoạn tiếp theo của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhận định: “Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa thị trường, cân nhắc cả những địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Nam Hội An, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng như đa dạng hóa loại hình sản phẩm và chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hành”.
Bên cạnh việc mở rộng tại những vị trí địa lý mới, các chủ đầu tư còn tích cực trong việc phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch mới. Nổi bật hơn hết là hình thức shophouse/shopvilla ven biển tại thị trường Phú Quốc và Hạ Long.
Một xu hướng nổi bật khác là sự quan tâm của các chủ đầu tư với loại hình khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe (wellness resort).
Đây là một loại hình mới và còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, khi dân số trung lưu tại Việt Nam được dự đoán tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong vòng năm năm tới, và khách du lịch từ các quốc gia Bắc Á đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có sự kết hợp giữa du lịch và phục hồi sức khỏe.
Ngoài ra, ông Christian Low (Giám đốc Chiến lược khu vực của hãng kiến trúc SB Architects) đánh giá, để đảm bảo tính bền vững, thiết kế cho dự án nghỉ dưỡng cần có sự hòa hợp với các yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa.
Nhiều chủ đầu tư khách sạn cao cấp tại Việt Nam thường hay quên là khách quốc tế (đối tượng khách quan trọng của các dự án cao cấp) sẽ thích những thiết kế mới lạ nhưng vẫn đậm chất Việt Nam hơn là sự sao chép phong cách kiến trúc của những nước khác.
Bình luận