Trong số các bệnh ung thư, ung thư thực quản là một trong những loại ung thư ít được chú ý nhất. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, bệnh ung thư này cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.000 người Mỹ mỗi năm.
Đáng buồn thay, tỷ lệ sống sau 5 năm đối với ung thư thực quản chỉ là 20%. Nguyên nhân một phần là do thiếu các biện pháp tầm soát thường xuyên và các triệu chứng của bệnh thường khởi phát muộn hơn so với các bệnh ung thư khác.
Tiên lượng bệnh có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào thời điểm chẩn đoán bệnh, và bệnh nhân càng được điều trị sớm thì càng có nhiều cơ hội hồi phục, theo các chuyên gia. Vậy đâu là những triệu chứng phổ biến của ung thư thực quản?
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cho biết, thường xuyên cảm thấy khó nuốt - tình trạng được gọi là chứng khó nuốt - là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư thực quản.
"Khó nuốt khi ăn quá nhanh hoặc do không nhai kĩ thức ăn không phải là vấn đề đáng lo ngại", phòng khám Mayo Clinic giải thích. "Nhưng chứng khó nuốt kéo dài dai dẳng có thể là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị".
Những người bị chứng khó nuốt thường xuyên cảm thấy như thức ăn đang bị mắc kẹt trong cổ họng hoặc ngực của họ, khiến việc nuốt trở nên khó khăn hoặc không thể. Một số bệnh nhân cảm thấy đau đớn khi cố nuốt, trong khi một số người khác chỉ cảm thấy khó chịu mà không cảm thấy đau ở cổ họng.
Theo các chuyên gia, triệu chứng này có thể làm tăng nguy cơ mắc nghẹn ở bệnh nhân ung thư thực quản. ACS chỉ ra rằng, ngoài những rủi ro liên quan đến chính bệnh ung thư thực quản, những người mắc chứng khó nuốt có nguy cơ cao mắc phải các tình huống nghẹt thở nghiêm trọng.
Nguy cơ này "trở nên tồi tệ hơn theo thời gian khi ung thư phát triển và lỗ mở bên trong thực quản nhỏ lại", trang web của ACS giải thích.
Cuối cùng, tình trạng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chế độ ăn uống của bệnh nhân, do vậy, những người bị ung thư thực quản phải theo dõi cẩn thận chế độ dinh dưỡng của mình.
"Khi việc nuốt trở nên khó khăn hơn, mọi người thường thay đổi chế độ ăn và thói quen ăn uống của mình mà không nhận ra nguyên nhân bị bệnh. Họ cắn miếng nhỏ hơn và nhai thức ăn một cách cẩn thận và chậm rãi hơn", ACS giải thích.
"Khi ung thư phát triển lớn hơn, tình trạng khó nuốt càng trở nên tồi tệ hơn. Các bệnh nhân bắt đầu ăn thức ăn mềm hơn để đi qua thực quản một cách dễ dàng. Họ thường sẽ tránh những thực phẩm như bánh mì và thịt bởi những thức ăn này thường bị mắc kẹt khi nuốt xuống cổ họng.
Vấn đề khó nuốt thậm chí còn trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều người phải ngừng ăn hoàn toàn thức ăn rắn và chuyển sang chế độ ăn lỏng. Nếu ung thư tiếp tục phát triển, đến một lúc nào đó, ngay cả chất lỏng cũng khó nuốt", các chuyên gia của ACS viết.
Ngoài khó nuốt, bạn có thể nhận thấy một loạt các triệu chứng khác liên quan đến ung thư thực quản, bao gồm đau ngực, sụt cân, ho mãn tính, nôn mửa hoặc khàn giọng. Nếu ung thư đã di căn đến xương, bạn sẽ cảm thấy đau và chảy máu trong thực quản.
Tuy nhiên, ACS lưu ý rằng, có một hoặc nhiều triệu chứng này không đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn bị ung thư thực quản. “Trên thực tế, nhiều triệu chứng trong số này có nhiều khả năng là do các bệnh lý khác gây ra", các chuyên gia viết.
Mặc dù nguyên nhân của những triệu chứng trên không phải là do ung thư, nhưng người bệnh nên gặp bác sĩ ngay nếu gặp phải những vấn đề trên để loại trừ nguy cơ ung thư.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, hiện chưa có xét nghiệm tầm soát ung thư thực quản định kỳ. Các xét nghiệm tầm soát ung thư thực quản đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng. Rất hiếm khi những người không có triệu chứng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản.
Do vậy, hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy mình bị chứng khó nuốt kéo dài, đặc biết nếu có thêm bất kỳ triệu chứng nào kèm theo.
Bình luận