Chen (26 tuổi) từng là fan của Ngô Diệc Phàm. 8 năm qua, cô dùng các sản phẩm do thần tượng nhạc pop này làm gương mặt đại diện thương hiệu. Nhưng giờ đây, Chen đã từ bỏ. Cô chấm dứt tình cảm hâm mộ của mình đối với Ngô Diệc Phàm sau khi anh ta bị bắt giữ với cáo buộc hiếp dâm các cô gái trẻ.
Những tuần vừa qua, nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế đã chấm dứt quan hệ đối tác với nam thần tượng này, trong khi các nền tảng trực tuyến xóa hết các chương trình có Ngô Diệc Phàm tham gia.
“Tôi nghi ngờ về một số lời buộc tội chống lại Ngô Diệc Phàm trước đó, trừ lần này”, Chen nói với Sixth Tone. Cô sử dụng bút danh do sợ bị trả thù bởi những người hâm mộ còn lại của Ngô Diệc Phàm.
Trong thập kỷ qua, các thương hiệu có xu hướng sử dụng những nam thần tượng nổi tiếng như ca sĩ Lộc Hàm, diễn viên Vương Nhất Bác và Lưu Hạo Nhiên để thu hút người tiêu dùng. Họ được mệnh danh là những “tiểu thịt tươi” - những chàng trai có làn da trắng như sứ và vẻ ngoài được chăm chút kỹ lưỡng.
Doanh nghiệp và người nổi tiếng đã tận dụng xu hướng này để lôi kéo người tiêu dùng, cả nam lẫn nữ giới, mua mọi thứ từ quần áo, trang sức, đồ trang điểm, khăn giấy, đồ uống và thậm chí gà rán.
Xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng hình ảnh quảng cáo hào nhoáng của "tiểu thịt tươi" không nhất thiết phải thay đổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thói quen chi tiêu của họ ngày càng bị ảnh hưởng bởi quan điểm, phát ngôn từ thần tượng.
Cụ thể, vụ việc của Ngô Diệc Phàm không chỉ cho thấy lối hành xử tồi tệ của một số ngôi sao, mà còn cả hậu quả từ những bê bối đó.
Liên tiếp bê bối
Những vụ tố cáo trên mạng xã hội thường dẫn đến các chiến dịch “xóa sổ”. Một số ngôi sao bị tẩy chay vĩnh viễn do vấn đề nghiêm trọng, bao gồm quấy rối tình dục và cưỡng hiếp. Một số khác suy giảm danh tiếng vì vấn đề liên quan tới đạo đức và ý thức hệ.
Tuần trước, ca sĩ Hoắc Tôn bị bạn gái cũ tố cáo bạo hành và ngoại tình. Sau đó, người này tuyên bố rút khỏi showbiz trong lúc cơ quan quản lý đang điều tra vụ việc.
Cùng thời điểm, diễn viên Trương Triết Hạn cũng bị fan xa lánh sau khi những bức ảnh chụp anh tạo dáng tại đền Yasukuni ở Tokyo, một địa điểm tôn vinh tội phạm chiến tranh Nhật Bản, xuất hiện trên Internet.
Không chỉ hứng chịu lời chỉ trích “làm ô danh lịch sử Trung Quốc” từ người hâm mộ, Trương Thiết Hạn bị hơn 20 thương hiệu lập tức hủy bỏ hợp đồng, bao gồm thương hiệu thời trang cao cấp Pháp Lanvin và hãng trang sức Nhật Bản Tasaki.
Miro Li, người sáng lập công ty tư vấn tiếp thị và xây dựng thương hiệu Double V có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), nói: “Những câu chuyện liên quan đến hành vi tình dục sai trái luôn tồn tại. Song trước đây, nó thường bị chôn giấu".
“Hiện những vụ việc như diễn viên hài Yang Li gây tranh cãi vì chế giễu đàn ông, hay vụ án hiếp dâm ở Alibaba xảy ra ngày càng nhiều. Mọi người nhận ra họ cần lên tiếng về sự bất bình”, ông chia sẻ với Sixth Tone.
Theo ông Li, người nổi tiếng ở Trung Quốc cần thận trọng khi đề cập đến các vấn đề khác nhau, từ lịch sử cho đến ý kiến của công chúng.
“Các ngôi sao ở phương Tây có thể gặp vấn đề về chủng tộc, sắc tộc hoặc cộng đồng LGBTQ+. Nhưng tại Trung Quốc, vụ việc của Trương Thiết Hạn cho thấy người nổi tiếng cần nhận thức được các vấn đề liên quan đến ý thức hệ".
Nhãn hàng sợ rủi ro kinh doanh
Các thương hiệu ở xứ tỷ dân có lượng người tiêu dùng lớn, cả trong nước và quốc tế, ngày càng thận trọng hơn trước bất kỳ vụ bê bối nào để tránh rủi ro kinh doanh. Các chuyên gia cho biết “nền kinh tế người hâm mộ” là yếu tố mà các công ty không thể ló ngơ hay bỏ qua.
“Ngoài yếu tố cơ bản như lưu lượng truy cập từ mạng xã hội của thần tượng, hay khả năng tương thích của họ với hình ảnh nhãn hàng, các thương hiệu cũng xem xét mức độ trung thành của fan, cũng như liệu có người hâm mộ ‘đầu não’ nào giúp cải thiện mức độ giữa người hâm mộ và thương hiệu hay không”, Shane Xin, nhà điều hành quan hệ công chúng tại Thượng Hải, nói với Sixth Tone.
Chen, fan trung thành một thời của Ngô Diệc Phàm, cho biết những trưởng câu lạc bộ hâm mộ có vai trò tương tự một giám đốc điều hành. Họ lập chiến lược mọi thứ, từ tài chính đến quảng bá cho ngôi sao yêu quý của họ.
Giới hâm mộ, còn được gọi là fanquan trong tiếng Trung, đi kèm với sức mạnh có thể tạo dựng hoặc phá vỡ một thương hiệu.
Năm ngoái, một trang fanfiction bị đóng cửa sau khi những người hâm mộ diễn viên Tiêu Chiến báo cáo nền tảng này với chính quyền. Họ cho biết trang web này đã xuất bản bộ tiểu thuyết giả tưởng miêu tả Tiêu Chiến là một phụ nữ chuyển giới và có quan hệ tình cảm lãng mạn với một nam sinh trung học.
Ngày càng nhiều cuộc tẩy chay diễn ra ở Trung Quốc với đủ lý do khác nhau. Thực trạng này như một lời cảnh báo cho các thần tượng, nhắc nhở họ về những lằn ranh không nên vượt qua.
Tháng trước, 64 ngôi sao và đại diện công ty quản lý, bao gồm Lôi Giai Âm, Trương Nhất Sơn hay Nhiệt Y Trát, tham gia lớp học giáo dục đạo đức cho nghệ sĩ do Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình Quốc gia (NRTA) tổ chức.
Bất chấp chuỗi bê bối liên tiếp vừa qua, các chuyên gia như Li hay Xin đều không nghĩ rằng xu hướng thần tượng “tiểu thịt tươi” sẽ mất đi hào quang trong một sớm một chiều.
“‘Tiểu thịt tươi’ tương đương với lưu lượng truy cập lớn, nên các thương hiệu chưa sẵn sàng rời bỏ nhóm ngôi sao này. Nhưng đồng thời, chỉ những thần tượng vừa thu hút lượng lớn người tiêu dùng Trung Quốc, vừa không vướng scandal nào mới có thể lọt top đầu theo thời gian”, ông Li cho biết.
Trong khi đó, những fan như Chen ngày càng nghi ngờ về thần tượng của mình.
“Chắc sau này, tôi không dễ dàng mến mộ một thần tượng khác như vậy nữa”, cô nói.
Bình luận