“Cần phải hạn chế việc tôn thờ người nổi tiếng quá đà bằng cách hủy bỏ những cách thức khuyến khích khán giả bỏ nhiều tiền ủng hộ, thay đổi lại quy tắc cạnh tranh và quản lý các nhóm fan cẩn thận hơn”, trích thông báo từ Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) vào hôm 2/8.
Động thái này diễn ra sau bê bối gần nhất của làng giải trí Hoa Ngữ liên quan đến Ngô Diệc Phàm, theo South China Morning Post.
Mạnh tay chặn fan quá khích
CAC vừa thúc giục các trang web và nền tảng ở Trung Quốc điều chỉnh lại các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến người nổi tiếng tại nước này.
Theo các nhà chức trách, trào lưu “cuồng” idol liên quan trực tiếp đến nạn bắt nạt trực tuyến, chi tiêu quá mức và thậm chí, nhiều người biến thành “cái đuôi” đi theo rình mò người nổi tiếng cả ngày.
Theo thông báo từ cơ quan này, họ đã xóa hơn 150.000 tin nhắn, 4.000 tài khoản, 1.300 hội nhóm và 39 ứng dụng bị cho là cổ súy văn hóa thần tượng độc hại.
Vào tháng 6, CAC đẩy mạnh các hành động nhằm “chấm dứt sự hỗn loạn” liên quan đến nhiều cộng đồng fan đông đảo trên mạng xã hội.
Trước đó một tháng, chương trình Thanh xuân có bạn bị đình chỉ sản xuất mùa mới nhất. Nguyên nhân bắt nguồn từ hành động fan đổ bỏ 270.000 chai sữa nhằm quét mã QR, bầu chọn cho các thực tập sinh thuộc chương trình.
Một đoạn clip được lan truyền trên Internet cho thấy người hâm mộ thuê nhân công đổ bỏ hàng loạt thùng sữa xuống cống sau khi mua sữa, dẫn đến số lượng lãng phí cực lớn.
Sau sự việc, CAC tuyên bố hành vi khuyến khích người hâm mộ ủng hộ thần tượng mù quáng, phi lý sẽ bị xử lý nghiêm.
Bai Meijiadai, giảng viên tại Đại học Liêu Ninh, người nghiên cứu về văn hóa hâm mộ, cho biết các nhà chức trách lo ngại về tác động của văn hóa thần tượng đối với giới trẻ.
“Họ muốn nhìn thấy giới trẻ học tập và làm việc, chứ không phải chi quá nhiều tiền để săn đuổi các ngôi sao”, Bai nói với New York Times.
Trên các phương tiện truyền thông, các hành vi người hâm mộ phô trương sự giàu có, thao túng bình luận trên mạng, tạo các chủ đề trực tuyến để gây tranh cãi hay sử dụng nick ảo, thủ thuật tăng lượng truy cập ngày càng bị chỉ trích trong 2 năm qua.
Năm hiệp hội ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm Hiệp hội Điện ảnh và Hiệp hội Âm nhạc, đưa ra tuyên bố kêu gọi những người trong lĩnh vực giải trí cần tôn trọng luật pháp và chú ý đến hành vi của mình sau khi bê bối của Ngô Diệc Phàm nổ ra.
"Đợi ngày Diệc Phàm được thả"
Quay ngược thời gian, làn sóng hâm mộ người nổi tiếng tại Trung Quốc càng lên tầm cao hơn nhờ sự bùng nổ của Internet trong những năm 2010.
Nhờ đó, showbiz Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng của các show truyền hình thực tế về các nhóm nhạc nam, mô phỏng theo nhiều chương trình tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cùng với phong trào ủng hộ idol đi lên, những lời chỉ trích "hành vi mù quáng của người hâm mộ" cũng tăng lên.
Con đường trở thành ngôi sao của Ngô Diệc Phàm cũng gắn với thời kỳ này. Năm 2012, anh ra mắt với tư cách là thành viên nhóm nhạc EXO của Hàn Quốc. Sau khi rời nhóm, nam ca sĩ quay lại hoạt động ở Trung Quốc.
Năm 2018, album mới của Ngô Diệc Phàm bất ngờ dẫn đầu bảng xếp hạng iTunes của Mỹ, vượt qua những hit đình đám của loạt ngôi sao nổi tiếng như Ariana Grande, Lady Gaga, Zedd, Imagine Dragon, Shawn Mendes...
Sau khi ra mắt ít lâu, sản phẩm này của nam ca sĩ đối mặt với nghi án dùng thủ thuật để tăng lượt mua. Cùng lúc đó, Weibo xuất hiện nhiều bài đăng hướng dẫn cách tăng lượt view, lượt mua được cho là lấy từ cộng đồng người hâm mộ của các nghệ sĩ khiến làn sóng tranh luận ngày càng gay gắt hơn.
Ngô Diệc Phàm và fandom (cộng đồng người hâm mộ) bị chỉ trích "lách luật", chơi thiếu công bằng.
Tất yếu, nhóm hâm mộ của nam ca sĩ lên tiếng bênh vực thần tượng. Sự bảo vệ ấy vẫn còn tồn tại đến giờ.
Sau khi Ngô Diệc Phàm bị giam giữ, hai nền tảng Tencent và Weibo đã đóng cửa nhiều nhóm và diễn đàn, nơi một bộ phận người hâm mộ của nam ca sĩ vẫn bày tỏ rằng họ “tin tưởng vào thần tượng và sẽ đợi ngày Diệc Phàm được thả”.
Một số người hâm mộ quá khích thậm chí còn nói rằng họ sẽ lên kế hoạch cướp ngục để giải thoát cho Ngô Diệc Phàm.
Bình luận