Khi nhiều quốc gia trên thế giới phải tái áp đặt phong tỏa do biến chủng Delta, Saudi Arabia quyết tâm dựa vào chiến lược buộc toàn bộ người dân tiêm vaccine để giữ nền kinh tế mở cửa.
Cho đến nay, chính sách của Saudi Arabia đang chứng minh hiệu quả. Kể từ khi quốc gia này ban hành quy định mới về phòng chống COVID-19 hôm 1/8, trong đó cấm người chưa tiêm vaccine đến trung tâm mua sắm, nhà hàng, trường học và cơ quan công sở, tỷ lệ tiêm vaccine này gia tăng đáng kể và số ca mắc mới liên tục sụt giảm.
Tuy vậy, Saudi Arabia vẫn gặp nhiều trở ngại trong thực thi chính sách vaccine. Quốc gia 35 triệu dân này đang là ví dụ cho thấy điều gì sẽ xảy ở một quốc gia yêu cầu tiêm vaccine là điều bắt buộc.
Quy định nghiêm ngặt
“Mọi người đang bị ép buộc tiêm vaccine”, Rawan, một cử nhân luật 23 tuổi, nói với Bloomberg. Cô đã tiêm mũi vaccine đầu tiên nhưng chưa tiêm mũi thứ hai.
Trong khi đó, giới chức y tế Saudi Arabia liên tục khẳng định mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine. Theo họ, việc buộc mọi người tiêm vaccine giúp bảo vệ cộng đồng.
Tiêm chủng bắt buộc là một trong những chủ đề gây tranh cãi hàng đầu trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, Pháp ban hành “hộ chiếu vaccine”, chứng nhận cần thiết để tới một số địa điểm công cộng.
Thành phố New York, Mỹ yêu cầu giáo viên và nhân viên chính phủ phải tiêm vaccine. Quy định này cũng áp dụng đối với những người muốn ăn tối tại nhà hàng trong nhà, đến phòng gym hay địa điểm giải trí. Trong khi đó, Indonesia dọa xử phạt những người từ chối tiêm chủng.
Tuy vậy, ít có nơi nào áp dụng những quy định ngặt nghèo như Saudi Arabia. Người không tiêm vaccine sẽ không được đến cửa hàng mua sắm. Trẻ trên 12 tuổi không tiêm vaccine không được đến trường. Công dân không tiêm vaccine không được ra nước ngoài và đứng trước nguy cơ mất việc.
Saudi Arabia sử dụng vaccine AstraZeneca cho người lớn và vaccine của Moderna và Pfizer cho mọi người từ 12 tuổi trở lên. Tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine của quốc gia này tăng từ 13% lên 42% trong 6 tuần. Trong khi đó, 63% người dân, bao gồm 99% học sinh trong độ tuổi 12-18, được tiêm ít nhất một mũi.
Trong thời gian tới, tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ tiếp tục tăng cao khi nước này chuyển trọng tâm từ tiêm vaccine cho nhiều người nhất có thể sang đảm bảo mũi tiêm thứ hai cho người dân.
“Tôi cảm thấy chúng tôi đang đi trước các quốc gia khác”, Dunya Fahad, một nhân viên bán mỹ phẩm 27 tuổi, nhận định.
Quan điểm trái ngược
Tuy vậy, một bộ phận người dân Saudi Arabia kiên quyết phản đối các động thái của chính phủ. Hệ thống theo dõi tiêm chủng vaccine của quốc gia này được xây dựng dựa trên một ứng dụng có tên Tawakkalna. Ứng dụng này khiến cuộc sống của những người không thành thạo công nghệ và không có kết nối Internet thường xuyên, như các lao động nhập cư, thêm khó khăn.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra chứng nhận vaccine vẫn còn rời rạc, phụ thuộc chủ yếu vào nhân viên an ninh và bảo vệ tại các địa điểm công cộng. Không phải lúc nào những người này cũng kiểm tra một cách chặt chẽ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra khuyến cáo việc việc tiêm chủng bắt buộc. Theo tổ chức này, các quốc gia cần cảnh giác về việc suy giảm niềm tin của công chúng vào vaccine và gây ra nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng đối với những người dễ tổn thương nhất.
Dù còn nhiều người chần chừ tiêm vaccine, giới chức Saudi Arabia kỳ vọng ít nhất 70% dân số sẽ được tiêm đủ 2 mũi vaccine đến cuối tháng 10. Chỉ những người đã tiêm vaccine được đi ra nước ngoài. Trong khi các trung tâm thương mại, cơ quan chính phủ thường chỉ yêu cầu một liều vaccine, trong khi các cơ sở giáo dục yêu cầu tiêm đủ hai mũi.
Bên cạnh đó, khác với nhiều quốc gia khác, người Saudi Arabia không được miễn trình chứng chỉ dù có kết quả xét nghiệm âm tính. Các biện pháp hạn chế này có thể còn được siết chặt khi nhiều người được tiêm đủ hai mũi vaccine hơn.
Nouf Mahdi, cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, cảm thấy yên tâm với các biện pháp này. “Đương nhiên chúng tôi vẫn phải đeo khẩu trang ra ngoài, tuy nhiên chúng tôi hạnh phúc vì được sống mà không phải quay lại thời kỳ phong tỏa”, cô nói. “Khó có thể chấp nhận lỗi lầm của một nhóm nhỏ làm ảnh hưởng đến mọi người”.
Trong khi đó, những người nghi ngờ vaccine lo ngại các quy tắc mới sẽ khắc nghiệt hơn.
“Tôi phải dừng tìm việc vì mọi tổ chức đều yêu cầu tiêm vaccine”, Mashael, 24 tuổi, cử nhân khoa học xã hội, cho biết.
Bình luận