Sáng 27/1, trả lời báo chí bên lề Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt quá trình đổi mới, đặc biệt 5 năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái..., công tác Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được triển khai bài bản, hệ thống, nhất quán và rất quyết liệt từ T.Ư đến địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, công tác này được thể hiện ở việc lần đầu tiên Việt Nam có Ban chỉ đạo thống nhất cả bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận về công tác tư tưởng, về văn học nghệ thuật.
Sau đó, chỉ đạo này được triển khai từ Trung ương đến địa phương và tất cả đều có các Ban chỉ đạo, vào cuộc rất bài bản. Cả hệ thống đã xây dựng được một kế hoạch, chương trình để thực hiện cuộc đấu tranh này có trọng tâm, trọng điểm cả trước mắt và đặt cơ sở cho việc bảo vệ nền tảng một cách thường xuyên, liên tục.
"Kết quả, vừa qua chúng ta đã giải quyết mối quan hệ rất tốt giữa việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, phát triển đất nước, đồng thời là những kết quả rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua.
Có thể nói đây là kết tinh của trí tuệ, sức sáng tạo và khẳng định rằng, chúng ta dựa trên nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc của Đảng và thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo và do đó, có thể nói đây là nội dung rất quan trọng để thực hiện việc xây dựng Đảng toàn diện, cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ và đã mang lại kết quả rất tích cực", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới đấu tranh trên các loại hình báo chí cũng như trên mạng xã hội. Đây là điểm rất mới, một mặt xây dựng luận cứ để có đấu tranh thật sự thuyết phục và hiệu quả, nhất là trên mạng xã hội, với những bài viết ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục để đông đảo mọi người hiểu sâu được quan điểm, đường lối của Đảng.
"Chúng ta đấu tranh trực diện với những luận điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các thế lực thường lợi dụng những sự kiện lớn hoặc là những vấn đề nóng để xuyên tạc, lệch lạc, gây ra tình trạng mơ hồ, hiểu không đúng thì chúng ta đấu tranh. Đấu tranh này phải thiết thực, đồng bộ cả việc xây dựng các luận cứ cho đấu tranh cũng như các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật để gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng", ông Thắng nói.
Thực tế, trước khi vào Đại hội XIII của Đảng, gần như 80-85% các thông tin xấu độc, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị gỡ bỏ.
Với câu hỏi "Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là những thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá. Vậy chúng ta phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như thế nào?", ông Nguyễn Xuân Thắng nêu thực tế, đất nước càng thành công thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá.
Trong bối cảnh mới hiện nay, thế giới khu vực nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó dự đoán, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa nước lớn...đang chi phối rất mạnh. Nền tảng công nghệ phát triển cũng bao gồm hai mặt, một mặt mang đến cơ hội mới nhưng đồng thời mang rất nhiều thách thức mới.
"Do đó, việc các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu chống phá, sử dụng tất cả những công nghệ mới để chống phá chúng ta một cách rất tinh vi nên cuộc đấu tranh này sẽ là một cuộc đấu tranh bền bỉ, thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ và với sự tham gia của tất cả mọi chúng ta trong Mặt trận tư tưởng lý luận. Tôi muốn nói đến vai trò của những người làm công tác lý luận, xây dựng luận cứ, vai trò của những cơ quan thông tin truyền thông về xây dựng những giải pháp tích cực", Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, việc phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý để bảo vệ vững chắc tất cả những thành quả của đất nước, đồng thời đấu tranh với các thế lực thù địch để làm thế nào để vừa răn đe, cảnh báo nhưng vẫn xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.
Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, trực tiếp đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, với sự tham gia không chỉ của các lực lượng chuyên trách mà của toàn bộ hệ thống chính trị và của người dân trong xã hội: "Dân ta nói Đảng ta là của chính người dân và người dân tham gia và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".
Bình luận