Tác dụng của củ gừng với sức khoẻ
Báo Lao động dẫn lời Dược sĩ Lê Hằng - Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam cho biết, gừng là cây bản địa của châu Á, được sử dụng cách đây hơn 4.400 năm. Từ lâu gừng trở thành hương liệu ẩm thực nổi tiếng trên khắp thế giới, đồng thời là một trong những vị thuốc quan trọng của y học cổ truyền ở nhiều quốc gia.
Ở Trung Quốc, gừng được dùng làm thuốc chống độc, an thần, chống viêm, kích thích ăn ngon miệng, dễ tiêu. Ở Nepal, gừng được dùng để chữa cảm cúm, cảm lạnh, ăn uống khó tiêu, viêm khớp.
Dưới góc nhìn y học hiện đại, tác dụng của gừng được chứng minh bằng nhiều công trình nghiên cứu trên cả thực nghiệm và lâm sàng. Trong đó, tác dụng nổi bật nhất được biết đến là điều trị chứng khó tiêu và buồn nôn, đặc biệt là buồn nôn trong các trường hợp thai nghén ở phụ nữ, say tàu xe hoặc tác dụng phụ của các chất hóa trị liệu trong điều trị ung thư.
Ngoài ra, gừng còn chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có thể làm giảm hoặc ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do – thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh nan y như các bệnh ung thư, tim mạch. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy gừng là loại thảo dược đầy hứa hẹn trong việc ức chế khối u, chống viêm, tăng cường miễn dịch, ổn định huyết áp …
Trong y học cổ truyền, sử dụng gừng để chữa bệnh dưới nhiều dạng khác nhau như gừng tươi (sinh khương), gừng khô (can khương), tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội), bào khương (củ gừng đồ cho chín rồi để trong mát cho đến khô, sao lửa to cho xém đen) hoặc thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính), sinh khương bì (vỏ gừng tươi, phơi khô).
Đặt gừng dưới gối có tác dụng gì?
Báo VnExpress dẫn nguồn Sohu cho biết, đặt một miếng gừng tươi hoặc cắt thành từng lát mỏng rồi đặt ở gần gối có tác dụng an thần, hỗ trợ giấc ngủ, giảm các bệnh về hô hấp.
Bạn có thể gói gừng vào túi vải hoặc khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với da cũng như không vương vãi ra ngoài.
Dưới đây là những lợi ích của việc đặt gừng dưới gối:
An thần, hỗ trợ giấc ngủ
Mùi thơm của gừng tác dụng xoa dịu thần kinh, giảm mệt mỏi căng thẳng. Đặt gừng cạnh gối sẽ tạo bầu không khí dễ chịu, giúp dễ ngủ, ngủ sâu và ngon hơn. Đối với những người dễ lo lắng và thường xuyên mất ngủ, liệu pháp mùi hương tự nhiên này rất hữu ích.
Cải thiện tuần hoàn máu
Khi đặt gừng gần gối, các thành phần dễ bay hơi của gừng có thể được hấp thụ qua da, giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Với những người ngồi lâu ít vận động hoặc người dễ bị lạnh chân tay, việc lưu thông máu tốt giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Giảm các bệnh hô hấp
Nếu giấc ngủ của bạn thường bị gián đoạn do dị ứng, cảm lạnh hoặc các vấn đề về hô hấp, đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của gừng có thể giúp ích. Hương thơm của gừng có thể làm dịu đường mũi và đường hô hấp khi bị tắc, giúp dễ ngủ và duy trì giấc ngủ ngon.
Thanh lọc không khí
Bên cạnh việc hỗ trợ giấc ngủ, gừng cũng có khả năng khử mùi và thanh lọc không khí. Việc đặt gừng ở đầu giường giúp loại bỏ những mùi khó chịu trong phòng, tạo ra môi trường dễ chịu. Ngoài ra, gừng có tính kháng khuẩn, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, giúp không khí thêm trong lành.
Giúp khử trùng
Trong gừng có thành phần gọi là gingerol với tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại. Gừng đặt cạnh gối sẽ tỏa ra mùi thơm tươi mát, loại bỏ mùi hôi và vi khuẩn, giúp giấc ngủ thoải mái hơn.
Đuổi côn trùng
Trên gối ngủ thường xuất hiện một số loại bọ nhỏ như mạt bụi, bọ chét. Những loại này khi cắn vào da người sẽ gây ngứa, mẩn đỏ, dị ứng. Trong trường hợp nghiêm trọng, chúng có thể lây lan một số bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe. Gừng có vị cay nồng và mùi thơm đặc biệt có thể xua đuổi những loại côn trùng nhỏ, giúp ngủ ngon hơn.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Đặt gừng dưới gối có tác dụng gì?". Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.
Bình luận