Phía sau những hào quang lấp lánh của ánh sáng sân khấu - thứ ánh sáng giúp nghệ sĩ thăng hoa, giúp khán giả chìm đắm trong mê hoặc, là bàn tay "phù thủy" của các đạo diễn. VTC News thực hiện loạt bài "Vén màn bí ẩn sau những show diễn hoành tráng nhất showbiz Việt", với những bật mí của dàn đạo diễn hàng đầu hai miền Nam - Bắc.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ
Nhiều năm qua, cái tên Trần Vi Mỹ gắn liền với nhiều liveshow lớn của loạt nghệ sĩ đình đám như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Thanh Thảo...
Là một trong những đạo diễn hàng đầu của Việt Nam, những chương trình của đạo diễn Trần Vi Mỹ ứng dụng công nghệ nhưng luôn tạo được dấu ấn khác biệt trong lòng khán giả. Và với đạo diễn Trần Vi Mỹ, mỗi khi kết hợp với Đàm Vĩnh Hưng, cả hai đều có sự thăng hoa suốt nhiều năm qua.
- Trong những show diễn từng áp dụng công nghệ, đâu là show diễn anh ấn tượng sâu sắc nhất và đã gặp khó khăn ra sao?
Đó là Diamond show của Đàm Vĩnh Hưng cách đây 3-4 năm. Show đó đòi hỏi cái gì cũng đỉnh, từ ca sĩ, phục trang cho đến công nghệ. Từ thời đó tôi đã đưa hologram và mapping vào buổi diễn, rồi nào là hoa tự động nở, kim cương tự vỡ... tôi đều phải tìm tòi, học hỏi từ nước ngoài và thậm chí phải thuê chuyên gia giỏi về lĩnh vực đó về cố vấn cho mình.
Hay gần đây nhất là show của Võ Hạ Trâm, khiến tôi thấy thăng hoa nhất trong nhiều năm làm nghề vì tôi giúp được một ca sĩ giỏi nghề nhưng chưa thật sự “hot”. Chúng tôi vượt qua nhiều khó khăn từ ngân sách, địa điểm cho đến đủ thứ... để thăng hoa và show đó đầy công nghệ, bạn có thể thấy màn trình diễn khá ảo của các công nghệ trình chiếu khác nhau.
Khán giả vỗ tay theo từng đợt hình ảnh tôi đưa ra, như Võ Hạ Trâm lần đầu tiên đứng giữa lòng đại dương, xung quanh có rất nhiều sinh vật biển, hay như người đang đứng diễn bỗng xuất hiện rất nhiều hoa nở trên trang phục rồi bỗng biến mất.
Để làm được điều này, việc nghĩ ra nội dung phù hợp và tính khả thi cần đầu tư nghiêm túc về thời gian cũng như tính mỹ thuật và độ chính xác, đòi hỏi tập luyện giữa các bộ phận liên quan. Và quan trọng nhất vẫn là cảm xúc, nếu “chiêu thức“ không rơi đúng điểm xem như uổng phí.
Đó là một trong những show diễn ấn tượng của tôi trong năm nay. Dù Võ Hạ Trâm không phải ngôi sao hạng A nhưng tính nghệ sĩ lại đong đầy trong show diễn đó. Các nghệ sĩ đi xem show hôm đó nhận xét tôi và ê kíp rất thăng hoa, mừng cho chúng tôi đã thành công và Võ Hạ Trâm đã bước lên một vị trí khác.
- Có phải từ ngày xưa, trong con người của anh đã tồn tại khả năng dàn dựng sân khấu?
Tôi nghĩ năng khiến này đã có từ năm tôi học lớp 5. Tôi đi học ở quê, môi trường lúc đó không có gì gọi là giải trí, mỗi xã chắc chỉ có một chiếc TV nhưng thường có những đoàn chiếu phim lưu động, đoàn cải lương. Phía sau nhà tôi là sân trường và đoàn cải lương hay hát ở đó.
Một lần xem xong vở Tình không biên giới, tôi có khả năng rất tốt là viết tóm tắt nội dung của vở diễn, dường như tôi thu gọn các tuyến nhân vât rất nhanh và nhắm mắt lại, tôi có thể xem lại vở diễn trong ký ức của mình. Tất nhiên, màu sắc của các tình tiết trong vở diễn cũng khắc sâu vào trí nhớ của tôi.
Không có Đàm Vĩnh Hưng sẽ không có cái tên đạo diễn Trần Vi Mỹ bây giờ.
Trần Vi Mỹ
Từ đó, tôi có những cảm nhận về ánh sáng như có binh đao là màu gì, những cảnh tự sự lâm li có màu gì, màu sắc lãng mạn ra sao…
Tôi nghĩ có những năng khiếu mà ở thời của tôi, nó không được phát hiện vì hoàn cảnh kinh tếgia đình, và cả bối cảnh xã hội lúc đó, các bậc cha mẹ thương ít để ý và hướng con mình theo nghề mà con yêu thích/
Thậm chí, các bậc cha mẹ muốn con theo ý mình hoặc làm những việc mà hồi nhỏ mình không làm được. Riêng với gia đình tôi, việc yêu nghệ thuật là chuyện động trời (cười).
Gia đình tôi rất khó khăn sau khi đất nước giải phóng. Mọi thứ cứ âm ỉ trong người tôi và tôi vẫn đi học như bao bạn bè đồng trang lứa. Sau này, tôi tốt nghiệp ngành Kinh tế và đi làm trong môi trường ngân hàng. Họ có những hoạt động, sự kiện và tôi bắt đầu làm sự kiện. Lúc này, ngành tổ chức sự kiện ở Việt Nam rất mới mẻ.
Đàm Vĩnh Hưng là người phát hiện tôi đầu tiên. Tôi vẫn hay ghi trên Facebook của mình rằng "Người bắt tôi làm đạo diễn chính là Đàm Vĩnh Hưng". Không có Hưng sẽ không có cái tên đạo diễn Trần Vi Mỹ bây giờ. Và chúng tôi luôn thăng hoa trong các chương trinh cùng nhau thực hiện.
- Nhiều người nói "Đàm Vĩnh Hưng tạo nên Trần Vi Mỹ" nhưng cũng có ý kiến cho rằng "Trần Vi Mỹ là người làm sống lại những ước mơ của Đàm Vĩnh Hưng trên sân khấu". Vậy anh cảm thấy thế nào về sự gắn kết đó?
Tôi nói điều này không phải là tự xịt nước hoa cho nhau. Tôi nhỏ hơn Hưng một tuổi nhưng cả hai đồng điệu về tuổi tác, sống trong cùng một bối cảnh xã hội, nên cảm xúc âm nhạc và những thứ khác khá đồng quan điểm nên hợp tác ăn ý.
Khi tôi đưa ra một ý tưởng nào đó, không cần nói nhiều Hưng hiểu và biết ngay cần làm gì để hiệu quả nhất cho màn trình diễn của mình. Vì Hưng là một nghệ sĩ có tài và rất nhạy cảm nên nắm bắt nhanh, diễn một cách tự nhiên và thuyết phục. Vì vậy, tôi và Hưng kết hợp luôn mang đến sự thăng hoa thật sự.
- Vậy anh đã áp dụng bao nhiêu công nghệ cho những liveshow của anh Đàm Vĩnh Hưng?
Không tài nào nhớ hết nổi vì toàn bộ đều áp dụng cho liveshow của Hưng lần đầu tiên. Hưng làm show dày đặc hơn mọi người, show lớn 2 năm một lần, cái gì mới nhất cậu ấy đều có cơ hội làm đầu tiên. Tôi đang đợi một dự án mới của cả hai vào năm 2020 dự định là liveshow khủng nhất của Đàm Vĩnh Hưng từ trước dến nay.
Show này sẽ diễn ra vào mùa hè năm sau, sẽ là một dấu ấn về nghề nghiệp của Hưng cũng như nơi các ý tưởng của tôi và ê kíp tha hồ bay lượn cùng những công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay.
- Anh có sợ ngành công nghiệp biểu diễn phát triển nhiều sẽ khiến bản thân gặp thêm đối thủ cạnh tranh?
Chúng ta phải công bằng với chuyện đó thôi. Con người sinh lão bệnh tử, nguồn năng lượng nếu không bồi dưỡng sẽ mất đi. Tôi luôn cổ xúy các bạn trẻ phát triển, luôn chia sẻ kinh nghiệm nếu các bạn hỏi và chưa bao giờ giấu nghề.
Tôi nhớ lại ngày xưa mới vào nghề, mình từng được hướng dẫn thế nào thì tại sao bây giờ mình giấu nghề làm gì? Tôi nghĩ tư duy đó cũ rồi. Vì vậy, ai hỏi gì tôi sẽ chia sẻ trong phạm vi những gì mình biết, và nếu không tường tận thì nói rõ là mình không biết vấn đề đó.
Những điều này tôi bị ảnh hưởng từ ngành học cũng như công việc trước đây của tôi là ngành tài chính: Đó là 2 vấn đề, gồm tính logic và tính chuẩn xác.
Nhiều người nói Trần Vi Mỹ là một người khó tính trên sân khấu, điều đó đúng vì tôi cần độ chính xác thuần thục. Một tiết mục tầm 4 -5 phút, ê kíp chỉ cần bạn làm đúng điểm nhấn của tiết mục trong 45 giây để hiệu quả, nếu làm không được xem như cả ê kíp mất hết công sức.
Còn chuyện sợ cạnh tranh, tôi chấp nhận thị trường luôn như thế. Vì có sự cạnh tranh mới có áp lực để sáng tạo và sự đào thải không chừa bất cứ ai nếu họ không tự tái đầu tư cho nghề nghiệp của mình.
- Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Bình luận