Video: Đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh tiết lộ chương trình ấn tượng nhất sau nhiều năm làm nghề
Tiếp theo loạt bài Vén màn những sân khấu hoành tráng của nghệ sĩ Việt, VTC News có dịp được trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh – "ông vua của chương trình truyền hình" khi là người làm nên sự thành công của The Remix, X-Factor, The Voice, The Face... Không những vậy, nam đạo diễn còn cực kì thành công với concert Stardom của Vũ Cát Tường.
- Là người nâng tầm đẳng cắp cho Vũ Cát Tường sau concert Stardom vào cuối năm ngoái, anh có thể chia sẻ cơ duyên làm việc giữa 2 người không?
Để nhận lời làm tổng đạo diễn một chương trình, tôi có rất nhiều lý do. Tôi biết Vũ Cát Tường từ lâu, bạn ấy sáng tạo – âm nhạc khác biệt và có thể nói thứ gì ở bạn ấy cũng khác biệt. Vũ Cát Tường từng tham gia một chương trình do tôi làm đạo diễn là Giọng hát Việt, bạn ấy sáng tác nhiều bài rất hay, và từ một thí sinh, giờ bạn ấy là một HLV cho các giọng ca nhí.
Có thể tôi không tiếp xúc với bạn ấy hàng ngày nhưng từng nấc thang đi lên đỉnh cao của Vũ Cát Tường tôi đều chứng kiến. Vì vậy, khi bạn ấy mời tôi làm show cùng, tôi cảm thấy rất thú vị. Hơn nữa, âm nhạc của Vũ Cát Tường rất hay, lạ và hiện đại.
Nói chung, mọi thứ như một cái duyên vậy, chúng tôi như anh em trong nhà nên đó là lý do đầu tiên. Ở vị trí một tổng đạo diễn chương trình, tôi thấy Vũ Cát Tường là người cực kì chịu diễn. Nếu bạn xem lại concert Stardom sẽ thấy một Vũ Cát Tường mở màn cực kì xuất sắc không thua kém gì các vũ công cả, nhiều khi vũ công làm cũng không có hồn bằng bạn ấy.
Từ hình ảnh Vũ Cát Tường xuất hiện giữa bầu trời sao, rồi những màn trình diễn hologram tái hiện hành trình âm nhạc như chạm đáy vực sâu để rồi vút lên cao… chỉ vậy thôi là thấy Vũ Cát Tường rất đa năng, nhảy đẹp và hát tốt. Nhìn bạn ấy nhỏ con vậy nhưng rất có sức bền vì concert đó hát liên tục hàng chục bài, còn trò chuyện với khán giả, làm MC dẫn dắt…
Video: Vũ Cát Tường diễn hologram mở màn concert Stardom
- Thông thường, một show diễn hologram tốn của anh bao nhiêu thời gian?
Thật ra, công nghệ hologram không mới bởi nó xuất hiện cách đây 10 năm rồi. Đây là công nghệ giả lập 3D – 4D cực kì khó, khó ở chỗ nó tạo tư duy trừu tượng cho người xem. Nói nôm na dễ hiểu là mình tạo ra những hình ảnh mà người tương tác như sống trên thế giới đó vậy.
Khi mình quay sang trái, hình ảnh sẽ đi theo; mình nhảy lên, hình ảnh cũng theo đó nhảy lên, mình biến mất thì các khung hình cũng sẽ nổ theo… Nói chung, nó rất khó và phải tính toán kỹ.
Năm ngoái, tôi mất khoảng 2 tháng rưỡi đến 3 tháng để làm, nhưng nếu có thời gian mọi thứ sẽ còn tốt hơn nữa. Trên thế giới, người ta mất 6 tháng đến một năm tập luyện ngày đêm cho phần trình diễn một phút hoặc một phút rưỡi. Chỗ nào sai, người ta sẽ tập lại ngay.
Nếu vũ công chỉ nhảy theo nhạc thì ca sĩ trình diễn hologram phải vừa nhảy vừa hát live vừa diễn kết hợp với hình ảnh. Có một vấn đề thế này, khi diễn thực tế, Vũ Cát Tường không biết mình đang diễn đến hình ảnh nào vì có một màn che cách bạn ấy khoảng 2 m, máy chiếu thẳng vào mặt nên dẫn đến hoa mắt.
Vì vậy, Vũ Cát Tường cảm nhận rất khó dù bạn ấy tập trước rồi. Hơn nữa, khi đó còn có tiếng la hét cổ vũ của khán giả nên nếu có trật nhịp, đó là chuyện đương nhiên không trách được.
Ở Việt Nam, để làm chương trình có sử dụng công nghệ hologram, tôi nghĩ cần tối thiểu một tháng rưỡi để mọi thứ đạt chuẩn về mặt thị giác. Mỗi màn trình diễn hologram có thời lượng khoảng 3-4 phút thôi vì càng dài càng đuối.
Trên thế giới, người ta có làm nhạc kịch bằng công nghệ hologram rồi nhưng trong vở diễn sẽ xuất hiện những phân đoạn có nhạc sẵn, nghệ sĩ chỉ diễn theo cảm xúc, theo lời thoại thôi còn đây là hát. Hát rất quan trọng mà hát không ra được thì coi như xong.
Với concert Stardom năm ngoái, tôi hài lòng vì show diễn được khán giả đón nhận, giới truyền thông khen ngợi với những mỹ từ như “show diễn đạt chuẩn quốc tế” chẳng hạn. Là người đứng đầu trong show diễn của Vũ Cát Tường, tôi thấy rất vui và cũng nhân dịp này gửi lời cảm ơn muộn đến mọi người vì đồng hành, ủng hộ bạn ấy trong năm qua.
- Anh là một người cực kì sáng tạo, Vũ Cát Tường cũng thế nên chắc chắn không tránh khỏi những ý kiến trái ngược nhau. Vậy làm thế nào cả hai có thể dung hòa để tạo nên một ý kiến chung?
Nói nôm na một cách trừu tượng là thế này, mỗi con người sẽ là một hành tinh. Bạn có hành tinh của bạn, tôi có hành tinh của tôi, Vũ Cát Tường có hành tinh của bạn ấy và không ai trộn lẫn với ai. Nhưng cuối cùng, những hành tinh đó đều phải đi theo một quỹ đạo thống nhất.
Khi có quỹ đạo rồi, chúng ta sẽ có sự hài lòng về mặt trao đổi, đưa ra ý tưởng. Tất nhiên, đôi khi ý tưởng sẽ không phù hợp, cần cắt bỏ nhưng không phải muốn là được bởi đó đâu phải của mình, sản phẩm dàn dựng chỉ là hỗ trợ thôi.
Vũ Cát Tường nung nấu, ấp ủ show diễn, bạn ấy là người sinh ra nó sẽ quý trọng cỡ nào. Tôi phải biết điều đó và để sự sáng tạo của bạn ấy giữ được nguyên bản, tôi chỉ đóng vai trò giúp nó thăng hoa hơn thôi.
Mỗi một bài hát hay cách làm của Vũ Cát Tường đều có ý đồ riêng, có logic của nó. Bạn ấy hướng đến sự trẻ trung, bắt kịp xu hướng và đôi khi ê kíp còn phải học theo nữa. Có những lúc bàn luận với nhau, tôi bác bỏ nhưng sau đó Vũ Cát Tường lại năn nỉ, bảo rằng anh cố giữ giùm em ý đó và tôi lại tiếp tục suy nghĩ.
Nghĩ tới nghĩ lui, họp với ê kíp… tôi thấy Vũ Cát Tường cũng đúng. Có những lúc, tôi vừa nói ra một ý kiến nào đó, bạn ấy quyết ngay là làm theo lời tôi vì cho rằng cái gì tôi nghĩ ra là có lý do riêng.
Nói chung, không chỉ có tôi mà còn có Vũ Cát Tường, các vũ công, hình ảnh 3D… sẽ vận hành xoay quanh một quỹ đạo. Khi vận hành trơn tru, nó sẽ tạo ra năng lượng cho quỹ đạo đó, không ai đụng chạm ai và cái vận hành đó là sản phẩm làm ra.
- Khi làm việc với các nghệ sĩ trẻ chắc hẳn không tránh khỏi sự khác biệt về tuổi tác, tư tưởng làm việc… Những lúc 2 bên xảy ra tranh luận, anh có bao giờ cảm thấy tự ái không?
Tôi từng làm việc với nhiều bạn trẻ rồi vì bản thân làm đạo diễn cho các show lớn như The Voice, X-Factor… Và như bạn nói, chắc chắn không thể tránh khỏi những bất đồng quan điểm hay những cuộc tranh luận.
Các bạn thí sinh ngày càng trẻ hơn so với tôi, thậm chí bây giờ có người kêu tôi bằng bác rồi (cười). Khi bắt tay làm một sản phẩm nghệ thuật, mình phải tìm hiểu về nội dung – ca sĩ thể hiện – thông điệp của sản phẩm – tư duy của nghệ sĩ trẻ.
Tôi giữ nguyên bản sự sáng tạo của Vũ Cát Tường, chỉ giúp nó trở nên thăng hoa.
Nguyễn Hữu Thanh
Chúng ta phải có một nền tảng, các bạn trẻ đặt niềm tin vào tôi vì tôi có sự trải nghiệm. Thế nhưng, cách đây vài năm, khi tôi làm chương trình nhận được rất nhiều ý kiến có phần hơi lạ lùng, “quái” từ các bạn trẻ và thậm chí mình chưa bao giờ xem.
Các bạn đưa tôi xem những clip trên thế giới nhưng tôi nói không làm được. Những clip đó hay thật và nếu làm được sẽ rất hay, nhưng công nghệ hỗ trợ cho phần dàn dựng đó ở Việt Nam lại không đủ để đáp ứng.
Hay như trong các buổi họp, rất nhiều ý tưởng được đưa ra nhưng đôi khi không thể thực hiện mà bản thân mình không giải thích rõ và từ chối thì các bạn ấy buồn. Về nhà, các bạn vẫn nhắn tin hỏi thăm, giải thích lại và có khi đến 2-3h sáng, tôi nhận được những đoạn clip rồi bật dậy xem.
Các bạn trăn trở vì phần trình diễn sắp tới của mình nên tôi cố gắng mở clip xem, rút ra những điều các bạn cần rồi hôm sau hẹn gặp nhau lần nữa để đưa ra giải pháp, bàn bạc lại và có được ý tưởng hợp lý nhất.
Nói tóm lại, muốn làm được một tác phẩm phải suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Mỗi người ai cũng có ý tưởng riêng nhưng quan trọng là có thực hiện được hay không.
Thêm vào đó, các bạn vẫn còn trẻ, mới vào nghề làm sao có đủ kinh phí để thực hiện những thứ quá hoành tráng, ví dụ như muốn đứng trước một khu rừng, có cảnh đổ nát hoang tàn để hát bài Heal the world chẳng hạn – như vậy rất khó nên các bạn cũng buồn.
- Vậy đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh có phải là một người khó tính trong công việc?
Nghề này bắt buộc tôi phải khó tính. Tôi có thể dễ tính khi ngồi bàn luận ý tưởng với nhau nhưng một khi lên sân khấu, tôi cực kì khó tính, tính toán từng giây từng phút, từng chi tiết nhỏ nhất. Nếu tôi không như vậy, chương trình sẽ hỏng ngay.
Một chương trình diễn ra trơn tru, thành công là tổng hợp của hàng tỷ chi tiết gom lại. Ví dụ, ca sĩ hát hết đoạn A, để chuyển cảnh dàn dựng sang đoạn B sẽ cần micro nâng từ dưới sân khấu lên ở một độ cao nhất định cho bạn ấy hát. Nhiều người sẽ nghĩ, nâng micro lên thôi mà, tập làm gì đúng không?
Nhưng không đâu, đêm trực tiếp, ca sĩ hát tới đoạn đó thì không ai nâng chân micro lên. Ai cũng nghĩ chẳng cần tập nhưng quan trọng ai sẽ là người đặt micro, bước ra từ hướng nào, khoảng cách giữa micro và tầm cao của bạn ca sĩ, micro chỉnh âm chưa, có đúng tần số hay không…
Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ khiến tôi trở nên khó tính rồi, phải tập luyện hẳn hoi từ chi tiết nhỏ nhất, lúc diễn phải đúng như lúc tổng duyệt không được sai một ly nào. Nếu sáng là bạn A mang micro ra nhưng tối lại là bạn B, tôi sẽ ngừng hợp tác với ê kíp đó ngay lập tức!
- Khó tính như vậy nhưng có bao giờ đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh gặp sự cố?
Làm nghệ thuật, hàng năm các nghệ sĩ và những người làm công việc liên quan đều có một ngày giỗ Tổ nghề sân khấu. Mỗi lần làm gì, mình thắp nhang cúng Tổ để tạo niềm tin, hướng đến sự may mắn cho chương trình. Ở sân khấu lúc nào cũng có bàn thờ Tổ, nhang khói đầy đủ để ê kíp và mọi người cúng.
Nhắc đến tình huống hi hữu nhiều lắm, mỗi show ít nhất 3-4 sự cố. Từng có một tuần tôi làm 5 đêm truyền hình trực tiếp, rồi ngày xưa còn làm 6-7 cầu truyền hình nữa, nói vậy là bạn hiểu vai trò của tổng đạo diễn như thế nào rồi – nó thuộc về kinh nghiệm và bạn có nhanh trí để xử lý hay không.
Buổi tổng duyệt cực kì quan trọng, càng tổng duyệt kỹ bao nhiêu thì lúc diễn chính sẽ càng giảm thiểu sai sót bất nhiêu. Sự cố hi hữu có thể kể đến như cúp điện. Ai cũng nói ở đây sao cúp điện được, có máy phát điện này kia nhưng nó cúp là cúp thôi.
Hay có những lần tôi đang quay hình trực tiếp ở sân khấu, mưa giông ập đến khiến âm thanh từ mái tôn kêu ầm ầm. Ban nhạc đánh nhưng không nghe được gì, ca sĩ hát như đang ở trong một chiếc thùng rỗng. Phát sóng trên truyền hình khán giả đâu biết trời mưa giông, mình thì không thể giải thích là do mưa nên hát dở được hoặc đang hát, màn hình tắt luôn không thấy gì.
Đó là những sự cố ngoài ý muốn vì yếu tố thời tiết, thiên nhiên… nhưng thí sinh khóc rất nhiều. Vì vậy, phải có 4-5 clip, vài kịch bản giao lưu với khán giả, nghệ sĩ liên quan đến show đó một cách có cảm xúc để nếu cúp điện hoặc có sự cố gì sẽ phát ngay lập tức. Nói chung, chúng tôi phải có phương án dự phòng.
Hay như một lần khác, tiết mục đó có sử dụng bàn nâng để đưa ca sĩ từ sân khấu lên. Tập luyện xong xuôi không vấn đề gì nhưng đến lúc diễn, người phụ trách vận hành bàn nâng và ca sĩ lại không hiểu ý nhau. Ở dưới gầm sân khấu sẽ có micro để ca sĩ vẫn có thể hát trong lúc nâng lên hạ xuống, vì vậy người phụ trách bàn nâng không ăn ý với ca sĩ thì họ cũng không thể nói được vì nếu nói, âm thanh sẽ phát trên sóng truyền hình trực tiếp.
Do đó, bạn ca sĩ ấy bị lọt xuống bàn nâng, ngã lớn tiếng nhưng khán giả lại tưởng đó là hiệu ứng và vỗ tay ầm ầm. Đến khi bạn ca sĩ khác lên hát và giải thích, khán giả mới biết không phải hiệu ứng gì cả.
- 10 năm trở lại đây, đâu là chương trình để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh?
Làm nghề này 20 năm, mỗi một giai đoạn là một cảm xúc khác nhau của tôi. Nếu nói 10 năm trở lại đây, chương trình để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi là The Remix – Hòa âm ánh sáng, phải thật sự gọi là khủng khiếp về nhiều mặt.
Mùa đầu tiên cực kì hot, tập đầu tiên lên sóng gây sốt cả nước, giới trẻ biết đến nhiều hơn còn cát-xê ca sĩ tăng lên khiến tôi không biết lý giải sự thay đổi đó ra sao. The Remix mùa đầu tiên có Tóc Tiên, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP, Isaac…
Sau chương trình, Hai cô tiên của Isaac gây sốt khắp nơi, đi đâu cũng nghe; vũ điệu cồng chiêng của Tóc Tiên trở thành trào lưu được giới trẻ hưởng ứng; Sơn Tùng M-TP thì khỏi nói, cực kì bùng nổ và khán giả vì không được vào xem nên chen lấn, ném đá vỡ kính nhà thi đấu nên ban tổ chức phải đền tiền; khán đài không còn một chỗ trống.
Bây giờ nếu một show diễn lấp đầy sân khấu là dấu chấm hỏi lớn. Thời đó, ban tổ chức có hẳn sơ đồ bố trí số lượng ghế cho người thân, fan hâm mộ của ca sĩ nhưng vẫn không đủ. Mùa đầu tiên của The Remix là mùa hot nhất, mỗi đêm diễn thành công đều khiến tôi ngất ngây. Nhiều bạn ca sĩ còn rủ tôi đi ăn uống vì nhờ chương trình mà họ nổi tiếng hơn.
Tuy nhiên, không có các bạn ca sĩ thì không có chương trình đó để tạo ra một sức mạnh lớn như vậy.
- Cảm ơn đạo diễn về những chia sẻ!
Bình luận