Ông chính là Yết Kiêu (1242-1301), tên thật là Phạm Hữu Thế. Sinh ra trong gia đình ngư dân nghèo khó, cha mất từ sớm, ngay từ nhỏ Yết Kiêu phải lăn lộn đủ nghề, mò cua bắt ốc đổi lấy cơm gạo để kiếm sống và phụng dưỡng mẹ già.
Năm 1285, khi quân Nguyên Mông ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, Yết Kiêu lập tức lên đường tòng quân bảo vệ đất nước. Ông được nhà Trần tuyển vào thủy quân.
Tại đây Yết Kiêu trở thành một tì tướng đắc lực của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhiều lần lập công lớn.
Theo một số tài liệu, mỗi khi đêm xuống, Yết Kiêu dẫn quân lặn ở khu vực thuyền giặc neo đậu, nhẹ nhàng khoan đáy thuyền, lấy giẻ nút lỗ rồi dùng dây nối các nút với nhau. Chờ quân giặc ngủ say, ông ra lệnh giật dây nút lỗ, thuyền chìm dần. Cứ thế mỗi đêm, ông đục thủng khoảng 30 chiến thuyền của địch.
Có lần, ông không may bị địch bắt. Tuy nhiên bằng trí thông minh và tài bơi lội, Yết Kiêu dụ địch thả ông ra rồi nhảy xuống nước trốn thoát.
Sau khi kháng chiến chống quân Nguyên kết thúc, Yết Kiêu tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông được vua Trần giao nhiệm vụ tháp tùng đoàn sứ bộ sang nhà Nguyên.
Trong lần đi sứ ấy, vua Nguyên rất mến mộ tài năng của Yết Kiêu liền tỏ ý muốn gả công chúa cho ông. Ông liền từ chối khéo và thưa rằng để trở về tâu xin vua Đại Việt, nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ xin sang Nguyên triều làm lễ cưới.
Trở về đất nước, vua quan triều Trần lo lắng sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên không đồng ý. Công chúa Nguyên triều đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang thì xin vua cha cho sang đất Đại Việt để làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Biết tin này, vua quan nhà Trần muốn ngăn cản cuộc hôn nhân đã báo tin Yết Kiêu qua đời.
Hay tin ông chết, công chúa liền lập đền thờ cúng ông trong 7 ngày. Khi cúng, nàng nói: "Trên đời không nên chàng và thiếp, thiếp xin nguyện xuống để gần chàng mãi mãi". Sau đó, nàng gieo mình xuống sông tự vẫn.
Bình luận