Hàng triệu trẻ em ở Mỹ sử dụng sữa công thức như nguồn dinh dưỡng chính, đặc biệt là những trẻ không có điều kiện bú mẹ đầy đủ. Nhưng nhiều phụ huynh ở Mỹ đang phải vất vả “săn tìm” số sữa này trong tình trạng hàng trở nên khan hiếm.
Maricella Marquez, một bà mẹ tại Texas, Mỹ chỉ còn lon sữa bột cuối cùng trong bếp hôm thứ Ba vừa rồi. Cô đành phải pha cho con gái 3 tuổi - mắc chứng rối loạn thực quản dị ứng hiếm gặp - một phần sữa nhỏ hơn chế độ ăn đặc biệt bình thường.
Marquez đã gọi điện cho các nhà cung cấp sữa trên khắp Texas, hỏi họ bao giờ mới có hàng về. “Ngay bây giờ họ hoàn toàn không có hàng”, cô nói với New York Times. Người mẹ này sống ở ngoại ô San Antonio, thành phố đang có tỷ lệ thiếu sữa công thức cao nhất nước Mỹ - 56% nguồn thông thường đã hết hàng tính đến 10/5, theo công ty phần mềm bán lẻ Datasembly.
Tại sao điều này lại xảy ra?
Sự gián đoạn liên tục các chuỗi cung ứng vì dịch bệnh, một số lượng sữa lớn bị thu hồi vì lý do an toàn và chính sách thương mại là ba yếu tố chính khiến nguồn hàng sữa công thức của các hiệu thuốc và siêu thị Mỹ bị rút cạn.
Vấn đề bắt đầu xuất hiện khoảng cuối năm ngoái, khi dịch COVID-19 dẫn tới sự gián đoạn về nguồn nhân công, vận chuyển và nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sữa. Số lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng vì các bố mẹ phải tích trữ sữa trong thời gian bị hạn chế đi lại.
“Trong mùa xuân 2020, doanh số bán sữa công thức tăng chóng mặt khi người dân tích trữ mặt hàng này cũng nhiều như họ tích trữ giấy vệ sinh”, Lyman Stone, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Demographic Intelligence nói trên The Atlantic. “Sau đó khi mọi người bắt đầu sử dụng số sữa tích trữ của mình, doanh số giảm rất nhiều. Điều này khiến cho việc lên kế hoạch sản xuất trở nên đặc biệt khó khăn. Rất phức tạp để hình dung được quy mô thực sự của thị trường”.
Ngoài ra, nghiên cứu của Stone chỉ ra rằng phần tỷ lệ sinh tăng trong đầu năm 2022 ở Mỹ đi kèm với “tỷ lệ cho con bú giảm đáng kể” ở các bà mẹ mới, điều khiến nhu cầu sữa công thức tăng cao một lần nữa.
Một cách ngắn gọn, nhu cầu sữa công thức ở Mỹ tăng vào năm 2020 khi người dân bắt đầu tích trữ vì đại dịch, sau đó giảm khi tình trạng tích trữ không còn, khiến các nhà cung cấp cắt giảm quy mô sản xuất trong năm 2021. Nhưng hiện tại, khi nhiều em bé ra đời hơn và nhu cầu tăng trở lại, các cơ sở không thể sản xuất kịp nhu cầu đơn hàng mới.
Yếu tố thứ hai là việc Abbott Nutrition, thương hiệu sữa hàng đầu của Mỹ bị điều tra khi 4 em bé bị nhiễm khuẩn hiếm gặp sau khi dùng sữa của hãng này. Hai em bé trong số này đã chết. Là nhà cung cấp sữa công thức lớn, việc hãng thu hồi hàng loạt sản phẩm liên quan và đóng cửa nhà máy tại Sturgis, Michigan khiến thị trường chịu ảnh hưởng đáng kể.
Yếu tố cuối cùng là các chính sách thương mại. Theo Atlantic, quy định về sữa công thức của FDA rất nghiêm ngặt, khiến cho các sản phẩm nước ngoài (ví dụ từ châu Âu) đôi khi không thể xuất sang Mỹ vì các yếu tố kĩ thuật như yêu cầu dán nhãn. Dù vậy, một nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều sữa công thức châu Âu hoàn toàn đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng của FDA (cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ), và trong một số trường hợp còn có thể tốt hơn sữa công thức Mỹ, vì EU cấm một số loại đường như đường ngô và yêu cầu sử dụng hàm lượng lactose cao hơn.
Một số bố mẹ ở Mỹ không chú trọng đến giấy phép của FDA có thể cố gắng “lách luật” bằng cách đặt hàng sữa công thức châu Âu từ bên thứ ba. Nhưng những lô hàng sữa này đôi khi bị cơ quan hải quan Mỹ giữ lại.
Các chính sách của Mỹ cũng khiến việc nhập khẩu các loại sữa công thức đạt tiêu chuẩn của FDA bị hạn chế. Ở số lượng lớn, thuế sữa công thức nhập khẩu có thể vượt quá 17%.
Mới đây, các quan chức của chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo nước này sẽ tăng cường nhập khẩu sữa công thức để làm giảm tình trạng thiếu hụt. Cụ thể, FDA dự kiến sẽ có hành động đặc biệt để tăng nhập khẩu sữa trong những ngày tới.
Chính sách sữa công thức của Mỹ cũng làm ngành công nghiệp bị ảnh hưởng theo một cách khác. Bộ Nông nghiệp nước này có một chương trình đặc biệt gọi là WIC - viết tắt của Chương trình Dinh dưỡng Bổ sung Đặc biệt cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em – cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Đây cũng là đơn vị phụ trách mua sữa bột trẻ em lớn nhất tại Mỹ, có hợp đồng với một số ít các công ty sữa công thức được chấp thuận.
Chương trình WIC được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường sữa bột trẻ em ở Mỹ. Không chỉ một số lượng lớn sữa được mua qua đây, mà khi một bang ở Mỹ thay đổi nhà cung cấp WIC, điều này cũng có thể góp phần làm tăng đáng kể thị trường ngoài WIC của nhà cung cấp mới.
Như vậy, ngành công nghiệp sữa bột trẻ em của Mỹ chỉ giới hạn trong phạm vi rất nhỏ các nhà cung cấp, phụ thuộc chủ yếu vào các công ty nội địa, khiến cho thị trường dễ bị tổn thương trước các sự kiện như vụ của Abbott. (Theo NBC, Mỹ sản xuất 98% lượng sữa công thức trẻ em trong nước. Một phân tích năm 2011 của Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo rằng ba công ty thực tế chiếm tất cả doanh số bán sữa công thức ở Mỹ là Abbott, Mead Johnson và Gerber).
Tại sao một số trẻ không thể dùng sữa mẹ?
Các chuyên gia y tế khuyến nghị cho trẻ bú mẹ hoàn toàn từ khi mới sinh đến 6 tháng tuổi. Tuy nhiên tại Mỹ, số liệu cho thấy chỉ khoảng 25% trẻ có điều kiện này.
Các bà mẹ tại Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn khi cho con bú lâu dài, bao gồm việc phải quay trở lại đi làm và dành thời gian cũng như tìm thiết bị phù hợp để bơm sữa. Khoảng 60% các bà mẹ Mỹ dừng cho con bú sớm hơn dự định, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Luật pháp tại các tiểu bang và liên bang Mỹ đang cố gắng khuyến khích việc các bà mẹ con bú bằng cách yêu cầu các đơn vị có thời gian giải lao cũng như cơ sở vật chất phù hợp cho các bà mẹ có con nhỏ.
Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy tỷ lệ cho con bú liên tục thấp hơn ở nhóm trẻ em da màu so với các nhóm khác. Khoảng 75% trẻ da màu tại Mỹ chỉ được cho bú trong giai đoạn còn sơ sinh, thấp hơn tỷ lệ trung bình trên toàn nước Mỹ là 84%.
Bao giờ tình trạng thiếu sữa sẽ kết thúc?
Các cơ quan quản lý y tế Mỹ gần đây đã công bố một số bước được thiết kế để thúc đẩy nguồn cung. Abbott cũng đang làm việc với FDA để khắc phục việc đóng cửa nhà máy.
Công ty hiện cho biết các sản phẩm của họ không có liên quan trực tiếp đến bệnh nhiễm trùng mà các trẻ mắc phải. Công ty nói trong khi chờ FDA chấp thuận, họ có thể khởi động lại sản xuất tại nhà máy của mình trong vòng hai tuần. Sau đó, sẽ phải mất thêm sáu đến tám tuần nữa trước khi các sản phẩm được đưa lên kệ hàng.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều vấn đề trong toàn ngành sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung sữa. “Đây sẽ là một vấn đề và nó sẽ không biến mất trong ít nhất vài tháng”, Tiến sĩ Steven Abrams, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Texas, Austin nói trên The Guardian.
Bình luận