• Zalo

Thị trường khan hiếm, người tiêu dùng Mỹ chán nản

Tư liệuThứ Năm, 12/05/2022 08:17:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tình trạng hàng loạt sản phẩm hết hàng liên tục và những mức giá “trên trời” đang bòn rút cả túi tiền và tinh thần của người dân Mỹ.

Sau 2 năm đối phó với COVID-19, thị trường lao động ở Mỹ đã sôi động trở lại, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất so với trước đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ tiêu cực. 

Nguyên nhân đầu tiên là do tình trạng lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây. Mức lương của người dân không đuổi kịp giá cả. Đặc biệt, sự khan hiếm đủ loại mặt hàng càng khiến tình hình này nghiêm trọng hơn. 

Việc giá cả leo thang trong khi hàng hóa khan hiếm giống với cuộc khủng hoảng xăng dầu vào những năm 1970. Từ tháng 5/1973 đến tháng 6/1974, giá xăng bán lẻ tại Mỹ tăng 43%. Dù giá cao như vậy, người dân vẫn phải xếp hàng dài hàng km để chờ mua xăng. Ngày nay, các thế hệ người Mỹ với những mức thu nhập khác nhau đang gặp phải tình trạng tương tự trên nhiều loại sản phẩm hơn: “Thời đại khan hiếm” đang bòn rút tinh thần của người tiêu dùng.

Thị trường khan hiếm, người tiêu dùng Mỹ chán nản - 1

Các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng tại Mỹ phải vật lộn để lấp đầy kệ hàng. (Ảnh: Getty Images)

Có tiền chưa chắc mua được hàng

Hiện có rất ít nhà được rao bán trên thị trường nhà đất, tồn kho bất động sản cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục. Có thể thấy rõ sự khan hiếm này qua sự việc hơn 100 người cùng quan tâm tới một căn hộ rộng hơn 167 m2 ở Alexandria, ngoại ô Washington DC. Cuối cùng, chủ hộ nhận được 13 đề nghị ký hợp đồng và căn nhà được bán với giá lên tới 580.000 USD. Sau vụ mua bán này, 99 người không mua được nhà sẽ phải tiếp tục săn tìm những căn hộ khác, và những câu chuyện xoay quanh giá nhà sẽ còn tiếp diễn. 

Không chỉ nhà ở, tình trạng khan hiếm và tăng giá ở hầu hết các mặt hàng đang bòn rút cả tiền bạc và tinh thần của nhiều hộ gia đình Mỹ. Dù có cố gắng tiết kiệm trong thời gian phong tỏa chống dịch, xin được những công việc có mức lương cao hơn hay được tăng lương, họ vẫn không đủ khả năng chi trả hết nhu cầu mua sắm. Các gia đình thường không thể lo đủ nhà cửa, ô tô, nội thất, máy rửa bát,... bởi chúng đều được bán với giá cao ngất ngưởng. Tồn kho ô tô đang ở mức thấp chưa từng có, vì vậy mọi người phải trả mức giá cao hơn bình thường. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà buôn cũng có sẵn màu sắc hoặc kiểu dáng khách hàng muốn. Tương tự, các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng cũng phải vật lộn để lấp đầy kho.

Trước đại dịch, tỷ lệ các sản phẩm cạn hàng thường là khoảng 5%. Gần đây, con số này đã tăng lên khoảng 12-15%, thậm chí còn cao hơn.

Nhiều lúc, khách hàng cảm thấy như thể ai đó giàu có hơn đã đến trước và mua hết hàng”, ông Peter Atwater, chủ tịch của hãng Financial Insyghts, nói.

Người Mỹ vốn không quen với tình trạng khan hiếm, đặc biệt là sau những lời hứa hẹn sẽ sớm cải thiện chuỗi cung ứng của các chính trị gia vào năm 2021. Nhưng loạt sự kiện diễn ra trong năm nay đã khiến vấn đề chưa thể được khắc phục: Tình trạng thiếu sữa bột trẻ em, cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn tới khủng hoảng nguồn cung cấp thực phẩm và đợt dịch COVID-19 ở Trung Quốc khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, vận chuyển hàng hóa bị trì trệ. 

Hiện tại, các nhà sản xuất mất trung bình 100 ngày để lấy hàng - đây là thời gian đợi hàng lâu nhất được ghi nhận kể từ cuối những năm 1980.

Thị trường khan hiếm, người tiêu dùng Mỹ chán nản - 2

Hầu hết các mặt hàng ở Mỹ đều trong tình trạng khan hiếm và đắt đỏ. (Ảnh: AP)

Tâm lý tiêu cực bao trùm người tiêu dùng Mỹ

Một số người đổ lỗi cho giới truyền thông khiến người dân Mỹ mất tinh thần, họ cho rằng báo chí quá tập trung vào những vấn đề tiêu cực như giá cao và biến động trong thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các kênh truyền thông cũng rất tích cực đưa tin tức lạc quan về thị trường lao động. Cụ thể, cập nhật về tình hình việc làm ở Mỹ sau đại dịch phục hồi nhanh hơn nhiều so với các cuộc suy thoái vào những năm 1990, 2001 và 2007. 

Dù vậy, dường như trải nghiệm trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành đã khiến người Mỹ trở nên tiêu cực hơn. Tinh thần của họ liên tục bị đặt vào trạng thái căng thẳng trong 2 năm: Các cộng đồng lo sợ sự lây lan của virus SARS-CoV-2, liên tục thay đổi quy định về nơi làm việc, trường học, thậm chí cả các buổi họp mặt gia đình cũng bị hạn chế. Các nhà tâm lý học cho biết tình trạng này kéo dài khiến người dân có xu hướng tập trung vào những tin tức tiêu cực hơn. Do đó, họ dễ dàng chán nản trước mức giá cao và vấn đề khan hàng trên thị trường hiện nay.

Một khi chúng ta tin rằng nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ, các thông tin chúng ta có xu hướng tìm kiếm và những gì chúng ta ghi nhớ sẽ củng cố niềm tin đó”, bà Anne DePrince, giáo sư tại đại học Denver, giải thích về tâm lý chán nản của đa số người tiêu dùng Mỹ.

Để vực dậy tinh thần của người dân, chính quyền Tổng thống Joe Biden không thể nhanh chóng lấp đầy tất cả các kệ hàng hay tạo ra một lượng lớn nhà ở, nhưng Washington có thể tập trung vào việc cải thiện vấn đề nguồn cung và tuyên truyền về các dự định phát triển kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Bước đầu, chính quyền nước này đã thực hiện tốt việc giải phóng dầu từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược. Nhằm tiếp tục cải thiện tình hình, họ có thể đảm bảo các cảng lớn ở Bờ Tây luôn mở cửa vào mùa hè này.

Trần Trang(Nguồn: The Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn