Ngày 22/7, trả lời VTC News, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, doanh nghiệp xuất hóa đơn 34.000 tỷ đồng trong 7 ngày chính là Công ty TNHH Yến sào Hubnest.
Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 11/10/2022 có mã số thuế là 0317512399. Công ty Yến sào Hubnest có địa chỉ đăng ký tại 435R Phạm Văn Đồng, phường 11, quận Bình Thạnh. Người đại diện là bà Phạm Thị Hương (sinh năm 1992, ngụ quận 10, TP.HCM). Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 2,5 tỷ đồng và chỉ có 1 lao động.
Ngành nghề kinh doanh của Công ty Yến sào Hubnest là bán buôn thực phẩm (không hoạt động tại trụ sở); bán buôn đồ uống; bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào; bán lẻ lương thực trong các cửa hàng chuyên doanh; bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh.
Ghi nhận của PV VTC News, địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Yến sào Hubnest là căn nhà 3 tầng có bề rộng khoảng 3,5 m. Đây cũng là địa điểm kinh doanh của một doanh nghiệp khác.
Theo Cục Thuế TP.HCM, số liệu kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) quý 1/2023 của Công ty Yến sào Hubnest cho thấy, doanh nghiệp này đã xuất 6 hóa đơn điện tử và kê khai doanh thu phát sinh là 34.567 tỷ đồng, không phát sinh thuế VAT phải nộp.
Cũng theo Cục Thuế TP.HCM, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã có báo cáo ban đầu với đơn vị này về vụ việc. Cụ thể, nội dung của hóa đơn của doanh nghiệp thể hiện "Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10/2022; VN30F2211 tháng 11/2022; VN30F2212 tháng 12/2022; VN30F2301 tháng 1/2023; VN30F2302 tháng 2/2023; VN30F2303 tháng 3/2023". Ở mục tên người mua thể hiện "khách hàng không lấy hóa đơn".
Mặc dù hóa đơn đầu vào không phát sinh thuế VAT nhưng doanh nghiệp xác định giá trị mua vào trên tờ khai thuế VAT thông qua bảng kê chi tiết giao dịch của một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại quận 1, TP.HCM. Sau khi rà soát trên hệ thống và phát hiện doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử với doanh thu “khủng”, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã mời doanh nghiệp lên giải trình tình hình hoạt động.
Theo giải trình của doanh nghiệp với cơ quan thuế, Công ty Yến sào Hubnest kinh doanh yến sào nhưng có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty này thực hiện giao dịch thông qua 1 công ty chứng khoán lớn bằng phương thức khớp lệnh.
Mặc dù số vốn đăng ký của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn có 2,5 tỷ đồng nhưng doanh thu phát sinh trong quý 1/2023 lên tới 34.567, cao gấp hàng chục ngàn lần so với vốn đăng ký. Doanh nghiệp cho biết, do vòng quay vốn của doanh nghiệp lớn vì đặc trưng của hoạt động chứng khoán phái sinh là tỷ lệ đòn bẩy rất lớn, gấp 4 lần vốn.
Cụ thể, doanh nghiệp có thể sử dụng 250 triệu đồng tiền ký quỹ (tương đương 25%) để giao dịch một hợp đồng tương lai 1 tỷ đồng và lập lại giao dịch mua bán nhiều lần trong ngày.
Chính vì vậy, Công ty Yến sào Hubnest đã giao dịch khoảng 30.634 hợp đồng, chiếm 0,5 - 0,7% giao dịch toàn thị trường nhưng vốn thực tế giao dịch chỉ là 4,38 tỷ đồng.
Do Công ty Yến sào Hubnest có loại hình kinh doanh mới, đặc thù, tính chất pháp lý phức tạp nên Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã đề nghị Cục Thuế TP.HCM chỉ đạo, hướng dẫn và phân cấp quản lý. Mặc dù vậy, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đề xuất doanh nghiệp vẫn phải lập hóa đơn theo quy định dù khoản thu nhập phát sinh từ kinh doanh chứng khoán phái sinh không chịu thuế VAT theo quy định.
Trước đó, như VTC News đã thông tin, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh phát hiện, chỉ trong vòng 7 ngày, một công ty yến sào đã liên tục xuất nhiều hóa đơn trị giá tổng cộng hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
Ông Đặng Khắc Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh chia sẻ, khi kiểm tra số hóa đơn này thì hóa đơn yến sào chỉ có 40 triệu đồng, còn lại hơn 34.000 tỷ đồng xuất vào thị trường chứng khoán. Chi cục Thuế đã gửi văn bản hỏi công ty chứng khoán và báo cáo về Cục Thuế TP.HCM.
Ông Phúc cho biết, hiện nay, doanh nghiệp rất đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực và hình thức kinh doanh. Do đó, công tác quản lý thuế cũng xuất hiện hàng loạt những rủi ro, điển hình như hành vi sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp. Bên cạnh những doanh nghiệp có lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì còn một bộ phận doanh nghiệp muốn tìm được lợi nhuận ngoài việc sản xuất.
Theo ông Phúc, việc nộp ít thuế cũng là tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đây chính là hành vi trốn thuế. Từ đó sinh ra cung - cầu hóa đơn dẫn đến hình thành các doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Ngoài ra, công chức ngành thuế cũng chưa có đầy đủ công cụ để kiểm tra phát hành, sử dụng hóa đơn chứng từ điện tử. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp có thể đặt trụ sở ở bất kỳ đâu và xuất hóa đơn hàng nghìn tỷ đồng suốt ngày đêm.
“Đối với doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn bên kia biên giới hay bất cứ thời gian nào trong ngày. Như vậy, để ngành thuế có thể phát hiện ngay những vi phạm là điều không thể”, ông Phúc nói.
Bình luận