Chiến dịch tranh cử tổng thống mới của Mỹ chính thức khởi động ngày 4/2 với các cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu kín (caucus) ở bang Iowa. Cuộc bầu cử chính sẽ diễn ra đúng 9 tháng sau, vào ngày 3/11, và 41 ngày sau đó, vào ngày 14/12, một cử tri đoàn gồm 538 người, đại diện cho tất cả các bang của Mỹ tương ứng theo dân số của bang, sẽ gọi tên ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng.
Hầu như tất cả các dự báo đều cho thấy rằng, vị trí đó sẽ vẫn là Tổng thống thứ 45 hiện tại của Mỹ, đảng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, người mà trong cuộc bầu cử trước đó vào ngày 8/11/2016 đã đánh bại ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton.
Chiến thắng đáng kinh ngạc
Chiến thắng đó được coi là đáng kinh ngạc và giật gân. Bởi nhà tỷ phú New York được biết đến trên khắp nước Mỹ và trên tòan thế giới này trước đó chưa từng tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị hay nhà nước nào, không chỉ ở cấp liên bang, mà còn ở cấp địa phương.
Ngay cả trong hàng ngũ của đảng Cộng hòa, nơi mà từ đó ông được đề cử làm ứng viên, ban đầu người ta cũng chỉ coi ông là nhân vật muốn đánh bóng tên tuổi, và gần như không thể là đối thủ của bà Hillary Clinton (gia đình Clinton là những vị khách mời danh dự trong đám cưới của ông Trump với người vợ thứ ba Melania Knavs ngày 2/1/2005, và chính “ông lớn Donald” khi đó cũng ủng hộ đảng Dân chủ).
Nhưng rồi người đàn ông cao 1m9, Donald Trump, cứ từng bước loại dần tất cả các đối thủ cạnh tranh khác trong “đảng con voi”, để rồi cuối cùng loại luôn cả nhân vật nổi tiếng nhất trong cuộc bầu cử, cựu đệ nhất phu nhân và cựu Ngoại trưởng Mỹ, người bắt đầu sự nghiệp chính trị với vụ Watergate nổi tiếng – bà Hillary, lúc đó 26 tuổi và là trợ lý của công tố viên, người đã khiến Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon “ngã ngựa”.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã phá vỡ một kỷ lục lịch sử: gần 3 triệu cử tri trong cả nước đã bỏ phiếu cho ứng cử viên thua cuộc. Nhưng khi kiểm lá phiếu của cử tri đoàn sau đó, bà Clinton còn nhận về kết quả thảm hại hơn: chỉ vỏn vẹn 227 phiếu ủng hộ so với 304 phiếu của ông Trump, người giành chiến thắng toàn diện theo luật bầu cử Mỹ.
Chiến thắng đó đã đi vào lịch sử, khi mà bà Clinton, người đã chi 897,7 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của mình so với 429,5 triệu USD của ông Trump, sử dụng bộ máy chính trị và thông tin “Deep state” thu hút các nhà tài trợ, kể cả những người nước ngoài, bắt đầu chiến dịch “anti-Trump” (chống Trump), và cả “anti-Russia”(chống Nga) vẫn đang được tiếp tục ở Mỹ cho đến ngày nay.
Lúc đầu, ông được gọi là “Tổng thống ảo” (phong trào “Not my President!”), sau đó là “con rối của Putin”, rồi hàng trăm cáo buộc khác nhau được đưa ra để chống lại ông: từ bạo lực đối với phụ nữ đến gây sức ép lên Ukraine...
Mục tiêu chỉ có một – bằng bất cứ giá nào để có thể khiến ông Donald Trump rời Nhà Trắng và lật ngược thất bại đáng xấu hổ của đảng Dân chủ năm 2016 thành một chiến thắng.
"Lá bài Zelensky"
Loạt súng cuối cùng trong cuộc chiến này là việc khởi xướng quá trình luận tội do phe đa số Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đưa ra. Cuối cùng, sau phiên xét xử sơ thẩm đầy thiên vị, ông Trump bị luận tội vào ngày 18/12 với 2 tội danh: lạm quyền (gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về “vụ Joe Biden” trong cuộc điện đàm ngày 25/7/2019) – 230 phiếu thuận và 197 phiếu chống, và cản trở công việc của Quốc hội (cấm nhân viên trong chính quyền đáp lại lời kêu gọi tới Hạ viện làm chứng) – 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống.
Quyết nghị này được chuyển đến Thượng viện của Quốc hội chỉ 1 tháng sau đó, vào ngày 15/1, và trong suốt khoảng thời gian đó, đảng Dân chủ liên tục lên tiếng với tinh thần rằng, phe đa số Thượng viện của đảng Cộng hòa sẽ “che đậy” tội ác khủng khiếp của vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ chống lại người dân Mỹ. Sự tính toán, rõ ràng, là nhằm trì hoãn việc xem xét luận tội càng lâu càng tốt, để nó có thể bao phủ phần lớn các chiến dịch tranh cử tổng thống, và sử dụng yếu tố này để chống lại ông Trump.
Ngày 30/1, những tính toán này đã thất bại. 51 thượng nghị sĩ đã lên tiếng chống lại việc tiếp tục các phiên điều trần (nghĩa là không đưa ra quyết định, mà chỉ gọi các nhân chứng mới và ghi nhận lời khai của họ), trong khi chỉ có 49 người ủng hộ.
Bây giờ sẽ chỉ còn phiên họp kết luận, trong đó, 2 tiếng đồng hồ sẽ được phân bổ cho bên cáo buộc và bên bảo vệ Tổng thống, cộng thêm 10 phút cho mỗi người muốn trình bày trước Thượng viện, nghĩa là toàn bộ thủ tục có thể mất tối đa 24 giờ. Sau đó, vào ngày 4/2, ông Trump dự kiến sẽ phát biểu trước Quốc hội với thông điệp tổng thống hàng năm, và cuộc bỏ phiếu cuối cùng về luận tội dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/2.
“Trò chơi kết thúc!”
Nói chung, khả năng có luận tội gần như bằng không, và ông Donald Trump sẽ không bị bãi nhiệm và không bị tước quyền tham gia cuộc bầu cử tổng thống mới: để có được sự chấp thuận của 2/3 Thượng viện của Quốc hội, tức 66 thượng nghị sĩ, trong khi đó chỉ có 45 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ là có thể bỏ phiếu chống lại Tổng thống Mỹ đương nhiệm, là điều hoang tưởng.
Khả năng đó đã được giải thích hoàn hảo bởi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Tennessee, Lamar Alexander, người có tiếng nói được đảng Dân chủ lợi dụng để tiếp tục mời các nhân chứng và tiếp tục quá trình luận tội. Theo ý kiến của ông:
Không cần phải chứng minh những gì đã được chứng minh; đúng là ông Trump đã cư xử “không đúng cách” với Tổng thống Ukraine, và đúng là ông Trump có ngăn cản Hạ viện điều tra về vấn đề này, nhưng đó không phải là hành vi phạm tội đáng bị bãi nhiệm và cấm tham gia cuộc bầu cử tổng thống; đó là một thực tiễn chính trị thực sự, mà không có nó là không thể thực thi quyền lực của Tổng thống;
Do đó, không có lý do, cũng không cần phải tạo tiền lệ nguy hiểm cho tương lai, khi màu sắc đảng của các cơ quan lập pháp sẽ bị thay đổi do kết quả của quá trình chính trị dân chủ, bao gồm bầu cử Hạ viện và Thượng viện;
Tổng thống thực thi quyền lực của mình theo ý chí của cử tri Mỹ, chứ không phải theo ý chí của Quốc hội, vì vậy cử tri phải đưa ra đánh giá về các hành động của Tổng thống ngoài phạm vi của luật pháp, kể cả những hành động không chính xác.
Thế là hết. Đảng Dân chủ đã đặt cược tất cả vào lá bài luận tội, và thế là họ thua. Bản thân ông Trump đã phản ứng với sự kiện này theo phong cách Twitter đặc trưng của mình, khi chỉ đăng 2 từ: "GAME OVER!” (“Trò chơi kết thúc!”). Trên thực tế, tất nhiên, điều này không phải như vậy. Trò chơi sẽ tiếp tục, nhưng nó sẽ là một trò chơi hoàn toàn khác.
“Thả theo dòng nước”
Trong tháng 11 sẽ không có cuộc bỏ phiếu mà thiếu ông Trump. Và cũng sẽ không có lá phiếu “thuận” hay “chống” ông Trump. Người dân Mỹ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên cụ thể, một trong số đó sẽ là ông Trump. Nhưng ai sẽ đại diện cho đảng Dân chủ trở thành đối thủ chính của ông? Đảng Dân chủ đã buông những lời chỉ trích Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhiều đến nỗi trong hành trang tranh cử của họ không có gì ngoài những lời về luận tội - không có bất cứ chương trình tích cực nào.
Rõ ràng, người ta cho rằng, trong làn sóng luận tội ông Trump, bất kỳ ứng cử viên nào từ đảng Dân chủ cũng có thể đánh bại bất kỳ đối thủ Cộng hòa nào. Nhưng giờ đây, khi luận điểm này được dự đoán sẽ bị bẻ gãy, tất cả họ đều tỏ ra buông xuôi, và trong chiến dịch tranh cử vừa mới bắt đầu, họ có thể sẽ “thả theo dòng nước”.
Và điều này có khả năng làm cho chiến thắng của ông Trump thậm chí còn thuyết phục hơn.
Bình luận