Mấy hôm nay, hình ảnh các cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống đến cơ quan trong ngày thứ hai đầu tháng gây nhiều cảm xúc cho cộng đồng mạng, trong đó có tôi. Điều đặc biệt là không chỉ chị em, cả anh em cũng mặc áo dài, loại áo ngũ thân, trên áo có tấm thẻ bài với 4 chữ "nguyên phong chấp sự", nghĩa là giữ gìn nếp xưa.
Mặc dù Sở chỉ yêu cầu mặc trang phục này một ngày mỗi tháng chứ không coi đó là đồng phục công sở nhưng trên mạng xã hội vẫn nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về việc có nên yêu cầu các cán bộ, công chức Nhà nước mặc áo dài đi làm. Hình ảnh các nam cán bộ ở Huế mặc áo dài quá đẹp khiến rất nhiều cư dân mạng đề xuất nên áp dụng cho cả nước, ít nhất cũng là cho ngành Văn hóa. Có người cho rằng thay vì chỉ mặc vào ngày thứ hai đầu tiên trong tháng, nên khuyến khích các quý ông diện nó mỗi đầu tuần.
Rất nhiều ý kiến “phản biện” đề xuất này, cho rằng áo dài nam đẹp thì rất đẹp nhưng chỉ nên mặc lúc hội hè, trên sân khẩu hay các sự kiện văn hóa, không nên áp dụng ở công sở. Một trong các lý do họ đưa ra là chiếc áo với tà dài sẽ khiến các anh trở nên quá dịu dàng, giảm đi sự mạnh mẽ, nam tính.
Về chuyện có biến áo dài thành trang phục công sở của cán bộ Nhà nước hay không, cần có sự nghiên cứu chứ không thể làm theo cảm tính; phải tính đến nhiều yếu tố, bao gồm cả sự tiện lợi. Tuy nhiên, thật không đúng nếu cho rằng chiếc áo dài khiến nam giới mất đi nam tính. Tôi đoán rằng nhiều quý ông yêu áo dài, thích mặc áo dài nhưng ngần ngại không dám chính vì định kiến này.
Bây giờ mọi người mặc định đàn ông phải mặc đồ Âu – sơ mi, vest và quần tây - trông mới “menly”, nhưng nếu xem tivi, phim ảnh, hẳn bạn sẽ thấy tại nhiều nước, đàn ông vẫn mặc trang phục truyền thống của họ với tà áo dài, rộng tại nơi làm việc hay các sự kiện chính thức (không chỉ là sự kiện văn hóa). Người Hồi giáo chẳng hạn. Nhìn những quý ông mang phong cách “chiến binh của sa mạc” đó, chẳng ai dám nói họ ẻo lả, kém mạnh mẽ.
Chắc chắn nhiều người cũng không xạ lạ với cái váy của đàn ông Scotland. Váy hẳn hoi nhé, chứ không phải quần. Các quý ông nước này vẫn luôn sung sướng, tự hào mặc thứ trang phục gần như được mặc định là dành riêng cho phụ nữ này mỗi khi có thể. Trông họ vẫn thật cường tráng, ngời ngời khí chất nam nhi.
Đó là bởi chất đàn ông không toát ra từ tấm áo manh quần mà từ phong thái, dáng vẻ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói và hành động. Vì thế, các đấng mày râu Việt nếu thích áo dài, thấy nó đẹp thì cứ mặc. Đàn ông Scotland còn mặc váy cơ mà, vậy cớ gì đàn ông Việt phải ngại khi mặc bộ đồ truyền thống của dân tộc mình?
Ý kiến độc giả không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của VTC News
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận